Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Ninh: Dịch Covid-19 tác động lớn đến đời sống người lao động

Thiên An - 18:13, 11/06/2021

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Các khu du lịch, các làng nghề cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch bệnh đang tác động trực tiếp đến kế sinh nhai của hàng nghìn lao động...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng trăm tàu du lịch vịnh Hạ Long nằm “đắp chiếu”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng trăm tàu du lịch vịnh Hạ Long nằm “đắp chiếu”.

Sau hơn một năm ảnh hưởng dịch bệnh, Quảng Ninh có hơn 126 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đã gửi đơn xin tạm dừng hoạt động. Những đợt dịch COVID- 19 liên tiếp, khiến ngay cả các chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long có tiềm lực cũng than kiệt sức và đành rao bán tàu với giá rẻ. 

Sau nhiều tháng rao bán, đến nay chị N.T.H mới bán được con tàu chuyên phục vụ khách tham quan. Chị N.T.H cho biết, dịch bùng phát chị cho nhân viên nghỉ hết. Đến khi dịch được kiểm soát, muốn đón khách thì lại không biết tìm đâu nhân viên. Thôi, đành bán được tàu nào thì bán, khi mà tàu không có khách, trong khi phải “gánh” lãi suất ngân hàng và các loại chi phí.

Tương tự, tình hình kinh doanh lĩnh vực lưu trú tại Quảng Ninh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Từ ngày 28/1/2021 đến nay, gần như tất cả khách sạn đóng cửa, không hoạt động, cắt giảm nhân sự, chi phí.

Ông Đinh Thọ Quang, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh, cho biết: Trước ngày 28/1, khách sạn có khoảng trên 200 mã khách hàng đặt phòng vào dịp Tết Nguyên đán, với tổng trị giá vài tỷ đồng. Khi đại dịch lần thứ 3 trực tiếp tấn công Quảng Ninh, tất cả khách hàng đều hủy dịch vụ, chuyển tuyến.

Đến nay, mặc dù dịch Covid-19 tại Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát, nhưng Mường Thanh Quảng Ninh vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Bởi chi phí vận hành khách sạn trở lại rất lớn, trong khi không có khách. Hiện nay, để duy trì bộ máy, Tập đoàn phải chấp nhận bù lỗ, hỗ trợ 40% lương cho người lao động, duy trì đóng BHXH.

Cũng bởi ngành du lịch gần như tê liệt do ảnh hưởng của dịch bệnh, kéo theo ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của gần 10.000 lao động trong ngành.

Vợ chồng anh Đặng Quang H., làm việc tại Công ty CP Du lịch vận tải Khách sạn Vân Hải (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long), là một trong số rất nhiều lao động đang đứng trước tình cảnh khó khăn. Công ty tạm đóng cửa do dịch bùng phát trở lại. Hai vợ chồng anh H. đang phải thuê nhà trọ và nuôi con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn.

Lĩnh vực kinh doanh, sản xuất cũng đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh. Đơn cử, Công ty TNHH Giày dép Bách Năng Quảng Ninh, chuyên gia công, sản xuất giày dép xuất khẩu, hiện gặp khó khăn về nguyên liệu cũng như xuất khẩu. Chính vì thế, Doanh nghiệp này buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm 200 công nhân. Việc duy trì, cầm cự việc làm cho 1.900 công nhân lao động hiện thời, cũng chưa biết sẽ bao lâu, bởi dịch kéo dài thì đơn vị tiếp tục thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động.

Dịch COVID-19 cũng tác động không nhỏ tới giao thương tại khu vực miền núi, vùng DTTS. Ghi nhận tại xã Hà Lâu, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của giống gà ngon nổi tiếng của huyện Tiên Yên; nơi có Chợ phiên Hà Lâu, là trung tâm mua bán của bà con các dân tộc Dao Thanh Y, Tày, Sán Chỉ… Tuy nhiên, dù là ngày chợ phiên, nhưng khung cảnh chợ vắng lặng, hoạt động mua bán của người dân nơi đây khá ảm đạm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID – 19 nên từ đầu năm đến nay, chợ hầu như đóng cửa. Các nhà hàng khắp nơi đóng cửa, vật nuôi chủ lực là gà Tiên Yên không thể tiêu thụ được, đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Chợ phiên Hà Lâu những ngày đầu chưa bị hảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chợ phiên Hà Lâu thời gian chưa bị hảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trước những khó khăn trên, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh thiệt hại do dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tận dụng tốt mọi cơ hội, khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không... Đồng thời, không lơ là, chủ quan, sẵn sàng các phương án phòng chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Thông tin vui cho người dân tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 7/6/2021, tròn 30 ngày tỉnh Quảng Ninh không phát sinh ca F0 trong cộng đồng kể từ khi phát hiện 01 ca F0 liên quan đến Bệnh viện K trong đợt dịch thứ 4. UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 3531/UBND-DL1 về việc, mở dịch vụ trong trạng thái bình thường mới. 

Hy vọng, kể từ 12h ngày 8/6 khi các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ..., được mở cửa trở lại, đời sống của người dân sẽ được ổn định, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển.