Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ninh: Thiếu sự ràng buộc, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đứt gãy

Nghĩa Hiệp - 10:57, 14/10/2021

Chuỗi liên kết tạo ra tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, an toàn cho người nông dân cũng như các đơn vị tiêu thụ. Qua 5 năm triển khai (từ 2016 đến nay), tỉnh Quảng Ninh tạo ra được 20 chuỗi liên kết, với 59 sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, số lượng chuỗi liên kết này còn ít so với quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh, cùng với đó là sự dễ đứt gãy do thiếu sự ràng buộc giữa các bên tham gia.

Na Đông Triều gặp khó trong tiêu thụ, khi các chuỗi liên kết giữa bên sản xuất và tiêu thụ chỉ cam kết “bằng miệng”
Na Đông Triều gặp khó trong tiêu thụ, khi các chuỗi liên kết giữa bên sản xuất và tiêu thụ chỉ cam kết “bằng miệng”

Thị xã Đông Triều là vùng trồng na lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Mùa vụ năm 2021, tổng sản lượng na Đông Triều lên đến 7.000 tấn. Trong nhiều năm qua, các chủ vườn na kết nối hệ thống tiêu thụ, với gần 200 thương lái thu mua. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, các thương lái gần như “biến mất”, dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Được, người trồng na lâu năm tại Đông Triều cho biết: Năm 2021, thị xã Đông Triều có 1.550 hộ trồng na với trên 800ha (chủ yếu là na dai), tập trung tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê...riêng gia đình đã trồng na được 25 năm. Đến mùa thu hoạch, na chín đến đâu các thương lái thu mua đến đấy. "Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đi lại giữa các địa phương khó khăn, các thương lái quen đều không thấy quay lại, na đến lúc thu hoạch chúng tôi chỉ biết tự mang ra chợ bán”.

Qua tìm hiểu được biết, trong nhiều năm qua, quả na Đông Triều đã có mối liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các chủ vườn với những thương lái. Nhưng hầu hết là “cam kết miệng” giữa hai bên. Để giúp người dân tiêu thụ na trong lúc dịch bệnh, thời gian vừa qua, thị xã đã tạo luồng, tuyến, cấp logo riêng cho lái xe và phương tiện vào vận chuyển, thu mua na; Đồng thời, phát huy các kênh thương mại điện tử và thị trường nội tỉnh, kịp thời “giải nguy” cho người nông dân trồng na.

Nhiều doanh nghiệp cần nguồn hàng lớn, sẵn sàng liên kết với người nông dân để thu mua nông sản, nhưng nông dân vẫn thờ ơ, chỉ nhờ khi khó
Nhiều doanh nghiệp cần nguồn hàng lớn, sẵn sàng liên kết với người nông dân để thu mua nông sản, nhưng nông dân vẫn thờ ơ, chỉ nhờ khi khó

Trên thực tế, hiện nhiều chuỗi liên kết nông sản chủ lực của tỉnh có tính bền vững không cao. Như đối với con tôm thẻ chân trắng, ở Quảng Ninh có thể coi là vùng trọng điểm của miền Bắc với sản lượng khoảng 14.000 tấn/năm. Thế nhưng, nếu như thương lái thu mua ồ ạt, thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh luôn là đơn vị chịu thua thiệt, bởi không thể thu mua được nguồn hàng do thiếu sự ràng buộc trong liên kết, hoặc không có sự liên kết.

Hay như đối với con hàu, hiện sản lượng nuôi mỗi năm đạt đến trăm nghìn tấn. Nhưng lượng hàu nuôi tại nhiều vùng quá tải, nuôi trên những vật liệu thiếu bền vững và không bảo đảm được tính an toàn, nên không được cấp mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp chế biến muốn nhập nguyên liệu thì cũng khó để đặt vấn đề liên kết.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh cho biết: “Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy, hải sản thích ký kết với thương lái hơn là các công ty, bởi vì giá thương lái đưa ra cao hơn. Nhưng mối liên kết này thường không bền vững. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu hiện nay cam kết thu mua với giá cố định lại đang không thu mua đủ nguồn hàng. Cùng với đó là chất lượng nguồn hàng không được bảo đảm, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng ảnh hưởng đến việc thu mua”.

Thời gian qua,  đã có một số doanh nghiệp “bắt tay” cùng người dân để tăng tính bền vững trong liên kết, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có việc áp dụng chính sách hỗ trợ cho các bên. Ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị quyết chưa phát huy tác dụng, bởi chưa có chuỗi liên kết nào được hưởng lợi từ Nghị quyết.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, từ thực trạng trên, đang đặt ra vấn đề là, ngành Nông nghiệp cần nhận diện rõ những vướng mắc, hạn chế trong từng công đoạn chuỗi liên kết, qua đó tập trung tháo gỡ, có như vậy, mới phát triển được các chuỗi liên kết nông nghiệp chặt chẽ, bền vững, thúc đẩy phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của toàn ngành.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.