Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Ninh với lộ trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia: Tổ chức lại sản xuất và thu hút đầu tư về vùng khó (Bài 3)

Trình Hiệp - 10:57, 13/12/2021

Phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tập trung sản xuất hàng hóa nông, lâm, ngư nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… là những mục tiêu tỉnh Quảng Ninh hướng đến, khi triển khai Dự án 3 của Chương trình MTQG (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển rừng, trồng rừng dược liệu theo hướng sản xuất là một trong những thế mạnh tỉnh Quảng Ninh lựa chọn thực hiện Dự án 3, Chương trình MTQG
Phát triển rừng, trồng rừng dược liệu theo hướng sản xuất là một trong những thế mạnh tỉnh Quảng Ninh lựa chọn thực hiện Dự án 3, Chương trình MTQG

Tổ chức lại sản xuất

Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, để tổ chức lại sản xuất, tỉnh Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hình thành, nhân rộng và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng miền gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). 

Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, sản xuất đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm và tạo nhu nhập của người dân.

Tỉnh lựa chọn Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên để phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loài cây gỗ lớn, cây địa phương tạo vùng cây nguyên liệu gỗ cho chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp gỗ xây dựng gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất các loại cây dược liệu có giá trị ở Ba Chẽ, Bình Liêu, Đông Triều, Hạ Long và vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử (Uông Bí).

Cùng với đó, là phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị hiện đại và gắn với sản phẩm OCOP, nuôi trồng thủy sản theo vùng chuyên canh theo hướng xuất khẩu, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân.

 Triển khai Chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh sẽ hướng tới giảm nghèo bền vững. (Trong ảnh: Vùng nuôi hàu sạch tại huyện Vân Đồn)
Triển khai Chương trình MTQG, tỉnh Quảng Ninh sẽ hướng tới giảm nghèo bền vững. (Trong ảnh: Vùng nuôi hàu sạch tại huyện Vân Đồn)

Nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh, nhưng trước đây việc nuôi trồng vẫn còn theo ý của người dân, không có quy hoạch nhất định. Do vậy, tỉnh cũng đã đưa ra định hướng phát triển, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường. Theo đó, xây dựng các vùng nuôi chuyên canh các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tập trung ở các địa phương: Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, với các loại như tôm, cá nước mặn, lợ; cua biển, cá lồng bè, nuôi trai lấy ngọc.

 Khai thác tiềm năng diện tích rừng ngập mặn, nhân rộng mô hình nuôi ghép, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái ở rừng ngập mặn, phát triển nuôi cua, ngán… để tạo sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo.

Ông Chương Văn Duy, dân tộc Sán Dìu, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn chia sẻ: Gia đình ông có hơn 5ha diện tích mặt biển để nuôi một số loài thủy sản. Nhưng gần đây, có được định hướng của các ngành chức năng của tỉnh, huyện nên ông chuyển sang tập trung chuyên nuôi hàu theo công nghệ cao và định hướng xuất khẩu. "Tôi đã ký liên kết tiêu thụ với một số công ty. Công ty hướng dẫn tôi cách nuôi, hỗ trợ thức ăn, mà lại bảo đảm đầu ra cho sản phẩm”, ông Duy cho biết.

Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Nhằm bảo đảm tính bền vững trong phát triển nông nghiệp, thủy sản, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX) gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Chương trình OCOP của tỉnh.

 Đồng thời, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triến kinh tế hợp tác, thực hiện vai trò chủ đạo của người nông dân trong sản xuất. Bảo đảm nông dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi tham gia HTX, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thủy sản sau khi được thu hoạch chuyển về đóng gói theo quy trình tại các khu công nghiệp
Quảng Ninh định hướng, xây dựng các khu chế xuất nông sản, dưới hình thức kêu gọi hợp tác đầu tư

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình MTQG, sẽ giúp mô hình phát triển kinh tế được đa dạng, gần gũi, giúp các hộ DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo dễ dàng tiếp cận, tham gia phát triển kinh tế. Tỉnh dành nguồn vốn để xây dựng các mô hình: “Doanh nghiệp giúp tổ hợp tác”, “Bộ đội giúp dân bản”, “Hộ khá giúp hộ nghèo”, “Khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên DTTS”... trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025, có ít nhất 100 tổ hợp tác, 550 HTX, 10 Liên hiệp HTX.

Cùng với những vùng chuyên sản xuất, tỉnh cũng đã định hướng, xây dựng các khu chế xuất nông sản, dưới hình thức kêu gọi hợp tác đầu tư. Các khu chế xuất xây dựng hiện đại theo mô hình kiểu mẫu, bảo đảm quy trình sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói ngay tại địa phương. Từ đó, hoàn thiện hệ thống phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng bền vững, hiện đại, đáp ứng xu thế chung của cả nước và thế giới.