Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Trị: Truyền thông phòng chống tảo hôn bằng công nghệ số

Khánh Ngân – Thanh Phong - 18:30, 21/06/2022

“Cuộc chiến” đẩy lùi tiến tới chấm dứt tảo hôn ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhiều năm qua chưa bao giờ dễ dàng. "Cuộc chiến" đó vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời đại 4.0 với những giải pháp tuyên truyền sáng tạo bằng công nghệ số.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) được phổ biến nội dung, cách cài đặt ứng dụng “Em vui”
Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) được phổ biến nội dung, cách cài đặt ứng dụng “Em vui”

Xã Húc là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Những năm qua, ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của xã, vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí có cả biện pháp xử phạt những cặp đôi tảo hôn, nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

Để giúp thanh thiếu niên DTTS có cái nhìn đầy đủ về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội và Tổ chức Plan International tại Việt Nam, đã đưa công nghệ số vào phòng chống tảo hôn thông qua nền tảng trực tuyến, với tên gọi “Em vui”. Đây là chương trình phòng chống tảo hôn được xây dựng trên nền tảng công nghệ số. Những video clip, đọc truyện tranh online về chủ đề phòng chống tảo hôn được xây dựng và truyền tải tảng trực tuyến thông qua các phương tiện như điện thoại thông minh, ti vi…

Chị Hồ Thị Sóc, xã Húc, huyện Hướng Hoá chia sẻ: “Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại nhường chiếc điện thoại của mình cho con trai truy cập vào nền tảng trực tuyến “Em vui”. Ngoài ra, tôi khuyến khích cháu giới thiệu cho các bạn khác. Thông qua “Em vui”, con trai tôi và các bạn sẽ hiểu sâu sắc hệ lụy của tảo hôn, từ đó chung tay đẩy lùi hủ tục”.

Truyền thông phòng chống tảo hôn trên nền tảng số, là một ứng dụng hoàn toàn mới lạ, phù hợp với xu hướng tuyên truyền hướng vào đối tượng giới trẻ. “Em vui” có nội dung mềm mại thông qua những câu chuyện, video… đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các em thanh thiếu niên người DTTS tại xã Húc. Đến xã Húc vào thời điểm này, không khó để bắt gặp các em nhỏ say sưa xem những video clip, đọc truyện tranh online về chủ đề phòng chống tảo hôn trên nền tảng trực tuyến “Em vui”.

Được biết, tại Quảng Trị, Dự án EMPoWR được triển khai trong 3 năm từ 2020 đến 2023 tại 15 xã thuộc địa bàn 2 huyện: Hướng Hóa và Đakrông. Dự kiến có khoảng 2.000 trẻ em tại các xã dự án được hưởng lợi trực tiếp.

Thầy Lê Đức Anh, giáo viên tổng phụ trách đội Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Húc. Thầy là một trong những người góp sức đưa “Em vui” đến với học sinh địa phương. Nhìn các em say sưa với những thông điệp mà chương trình xây dựng để tuyên truyền chống tảo hôn, thầy Lê Đức Anh rất mừng.

Sinh ra lớn lên ở miền núi, thầy Lê Đức Anh từng chứng kiến nhiều “đám cưới trẻ con”. Phía sau cuộc hôn nhân của các cô, cậu ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là bao nhiêu hệ lụy. Đói nghèo, thất học, suy dinh dưỡng, suy thoái giống nòi… cứ thế luẩn quẩn.

Cách đây khoảng 1 năm, khi được giới thiệu về nền tảng trực tuyến “Em vui”, thầy Lê Đức Anh đã đặt trọn niềm tin và hy vọng vào nền tảng trực tuyến “em vui”. Chính thầy cũng là một trong những thành viên tích cực trong việc xây dựng chương trình, giới thiệu “em vui” đến với các em với mong muốn làm thay đổi quan niệm hôn nhân trong giới trẻ ở xã Húc.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lê Đức Anh cho biết: “Đúng như dự đoán, các em đều rất thích. Qua theo dõi những thước phim, câu chuyện và tham gia thi dưới hình thức tích điểm nhận quà, các em đã hiểu cần nói không với tảo hôn”.

Với cách truyền thông về phòng, chống tảo hôn này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, hy vọng việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Quảng Trị sẽ dần được chấm dứt.