Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quỳ Hợp (Nghệ An): Nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 chậm thi công

Thanh Hải - 11:06, 09/10/2023

Hai công trình trường học và một công trình y tế tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) chưa thể thi công. Nguyên nhân chậm trễ này, theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp Trương Văn Nam, là do công tác thẩm định hồ sơ chậm.


Phòng học được dùng tạm làm chỗ ngủ, nghỉ cho gần 20 học sinh tại trường PTDTBT THCS huyện Quỳ Hợp
Phòng học được dùng tạm làm chỗ ngủ, nghỉ cho gần 20 học sinh tại trường PTDTBT THCS huyện Quỳ Hợp

Trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp, là một trong ba công trình chưa triển khai thi công ở huyện Quỳ Hợp. Đây là trường nội trú có 300 học sinh theo học, với hơn 104 em ở nội trú. Những năm qua, do thiếu phòng ở, thiếu nhà ăn, sân, bờ bao, cổng… nên các hoạt động của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp được phê duyệt và đầu tư một số hạng mục còn thiếu nêu trên, đây là tin không thể vui hơn cho cán bộ, giao viên, học sinh cũng như phụ huynh nhà trường.

Tuy nhiên, dù đã có danh mục đầu tư, dù đã được phân khai kế hoạch vốn… nhưng đến đầu tháng 10/2023, các hạng mục công trình được phê duyệt tại trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp vẫn chưa thể thi công. Vì vậy, sự khó khăn, bất tiện vì thiếu phòng ở, thiếu nhà ăn, sân, bờ bao, cổng… của giáo viên, học sinh nhà trường càng thêm bức xúc.

Sáng 3/10/2023, có mặt tại trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều hình ảnh “khổ sở” của giáo viên và học sinh nơi đây. Để đủ sức chứa 104 học sinh nội trú, ngoài một số phòng ở buộc phải kê thêm giường, nhà trường đã trưng dụng phòng ăn làm chỗ ở cho hàng chục học sinh. Còn phòng ăn, được di chuyển ra góc sân trường bằng hình thức quây tôn trên và xung quanh. 

Thầy Nguyễn Sơn Hà, Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp cho biết: theo quy định mỗi phòng chỉ có 8 học sinh ở, nhưng có nhiều phòng từ 10-12 học sinh. Thậm chí, có phòng học đã phải bố trí cho gần 20 học sinh nữ ở. Riêng khu vực phòng ăn thì rất bất tiện, hàng chục học sinh ngủ, học sau giờ lên lớp trong khuôn viên chật hẹp, nóng bức… Chúng tôi rất thương trò nhưng cũng đành chịu vì không thể làm khác hơn.

Còn tại trường PTDTBT THCS Châu Lộc (Quỳ Hợp) cũng đã được phê duyệt xây dựng một số phòng học và phòng phụ trợ nhưng đến đầu tháng 10/2023 vẫn chưa thể thi công dù đã được bố trí kế hoạch vốn. Trường có quy mô 363 học sinh, trong đó có 188 học sinh ở nội trú. Hiện nay, nhu cầu thực tế của nhà trường còn thiếu 4 phòng học văn hóa, 8 phòng học chức năng và 10 phòng ở cho học sinh. Thầy Bùi Đức Nam, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Châu Lộc chia sẻ: Chúng tôi thấy mới chỉ khảo sát thôi, chưa xây dựng gì cả. Nhà trường rất mong công trình sớm triển khai để đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập tốt hơn.

Trường PTDTBT THCS Châu Lộc (Quỳ Hợp) cũng đã được phê duyệt xây dựng một số phòng học và phòng phụ trợ nhưng đến đầu tháng 10/2023 vẫn chưa thể thi công dù đã được bố trí kế hoạch vốn
Trường PTDTBT THCS Châu Lộc (Quỳ Hợp) cũng đã được phê duyệt xây dựng một số phòng học và phòng phụ trợ, nhưng đến đầu tháng 10/2023 vẫn chưa thể thi công dù đã được bố trí kế hoạch vốn

Công trình thứ 3 vẫn chưa thể thi công là “xây dựng nhà khoa khám chữa bệnh, nhà khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, trạm điện; cải tạo nhà 2 tầng (khoa nội - lây) Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp”.

Theo báo cáo kết luận số 145 ngày 2/9/2023 của đoàn kiểm tra liên ngành số 01 của Ban Dân tộc tỉnh thì 3 công trình nêu trên chưa thể khởi công là do chưa thẩm định xong công tác phòng cháy chữa cháy. Tại phần kiến nghị, đoàn kiểm tra đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp chủ động, tích cực trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thẩm định công tác phòng chống chữa cháy đối với 3 công trình bị chậm để kịp thời triển khai.

Trước thực tế này, làm việc với báo chí sáng 3/10/2023, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp Trương Văn Nam thông tin: công trình tại Trung tâm y tế huyện, với tổng vốn đầu tư là 29 tỷ đồng, đã được cấp 13,3 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023; công trình trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp có tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng và ngay như công trình trường PTDTBT THCS Châu Lộc thì đều đã được bố trí vốn.

Công trình “xây dựng nhà khoa khám chữa bệnh, nhà khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, trạm điện; cải tạo nhà 2 tầng (khoa nội - lây) Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp” vẫn chưa thể thi công
Công trình “xây dựng nhà khoa khám chữa bệnh, nhà khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, trạm điện; cải tạo nhà 2 tầng (khoa nội - lây) của Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp” vẫn chưa thể thi công

Về tiến độ 3 công trình chậm thi công, ông Nam giải thích: về thẩm định phòng cháy chữa cháy thì chỉ còn mỗi công trình tại Trung tâm y tế là chưa xong; còn ở 2 công trình trường học thì đã thẩm định xong. Hiện, công trình trường PTDTNT THCS huyện Quỳ Hợp đang chờ Sở Xây dựng thẩm định; còn công trình trường PTDTBT THCS Châu Lộc, thì cũng đã trình bản vẽ thi công cho cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lý do chậm là vì phải thẩm tra, thẩm định qua nhiều sở ngành; do yêu cầu về phòng cháy chữa cháy rất cao.

Nhận trách nhiệm về 3 công trình chậm thi công này, ông Nam xác nhận: đúng là do thẩm định chậm, do tư vấn làm phải sửa nhiều và lỗi này là của chủ đầu tư UBND huyện Quỳ Hợp.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.