Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Quyết sách cho vấn đề di cư tự phát: Giải quyết từ gốc (Bài 5)

Mạnh Hà - 16:30, 25/05/2021

Để giải quyết tận gốc vấn đề di cư tự phát, giải pháp căn bản là những tỉnh “đầu đi” cần phải quản lý dân cư thật tốt. Đồng thời, cần tăng cường nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ, tạo sinh kế bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào.


Toàn cảnh khu vực bản tái định cư Nậm Là 2, Mường Nhé. (Ảnh: Hạnh Quỳnh)
Toàn cảnh khu vực bản tái định cư Nậm Là 2, Mường Nhé. (Ảnh: Hạnh Quỳnh)

Tăng cường tuyên truyền, quản lý dân cư

Để giải quyết vấn đề di cư tự phát, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành không ít những Chỉ thị, Nghị quyết về vấn đề này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường công tác tuyên truyền cũng như quản lý chặt chẽ dân cư.

Tại Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự phát, nội dung Chỉ thị nêu rõ: Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh phải tăng cường, chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục Nhân dân hiểu rõ chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho mọi người thấy được việc di cư tự phát làm ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gây khó khăn cho địa phương có dân đến. 

Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu, các địa phương tăng cường quản lý dân cư, thường xuyên nắm chắc hộ khẩu, nhân khẩu, biến động về lao động, dân cư trên địa bàn, nhất là cấp huyện, xã và các thôn bản; kịp thời phát hiện những hộ gia đình, cá nhân di cư hoặc có thể di cư tự phát để vận động Nhân dân yên tâm ở lại và có chính sách hỗ trợ kịp thời…

Điều này xuất phát từ thực tế, những năm trước đây, công tác tuyên truyền vận động người dân không di cư tự phát tại nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc chưa thực sự hiệu quả. Cùng với đó là công tác quản lý về hộ khẩu, nhân khẩu ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng chưa thực sự sát sao, khiến không ít chính quyền địa phương bị động trong việc ngăn ngừa tình trạng di cư tự phát.

Tuy nhiên, cho đến nay, tại nhiều địa phương, hoạt động này chưa thực sự tốt, dẫn tới tình trạng đồng bào DTTS di cư tự phát vẫn tương đối đông. Đơn cử như tại Hà Giang, giai đoạn từ 2005 – 2018, toàn tỉnh vẫn ghi nhân 956 hộ, với hơn 4000 nhân khẩu di cư tự phát đến các tỉnh khác, trong đó chủ yếu là khu vực Tây Nguyên. 

Tại tỉnh Cao Bằng, trong những năm qua, tình trạng di cư tự phát dù có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Tính từ năm 2018 đến nay, tổng số nhân khẩu di cư tự phát trên địa bàn tỉnh vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên là 205 người. Trong đó, năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, số nhân khẩu di cư tự phát là 45 người…

Điều này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cũng như quản lý chặt về biến động nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn để ngăn ngừa tình trạng di cư tự phát.

Quyết sách cho vấn đề di cư tự phát

Cùng với những công việc trên, thì việc thực hiện tốt các giải pháp tạo sinh kế, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, là yêu cầu cốt lõi. Nếu làm tốt giải pháp này, người dân sẽ yên tâm gắn bó với nơi ở, đẩy lùi được tình trạng di cư tự phát. Bởi trên thực tế, những năm qua, địa phương nào làm tốt công tác chăm lo, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, thì tình hình di cư tự phát được kiểm soát, và giảm mạnh.

Tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống là giải pháp hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi di cư tự phát (Ảnh: Nguyễn Phương)
Tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống là giải pháp hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi di cư tự phát (Ảnh: Nguyễn Phương)

Ghi nhận tại huyện Mường nhé, tỉnh Điện Biên. Địa phương này từng là điểm nóng về tình trạng di cư tự phát. Để ổn định đời sống cho đồng bào, chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé giai đoạn 2017-2020. 

Theo đó, tính đến hết năm 2020, huyện đã bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 12 nghìn hộ đồng bào; số nhân khẩu được sắp xếp là gần 67 nghìn hộ. Đồng thời, huyện cũng triển khai thực hiện các chính sách tạo sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 205 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay cơ bản đồng bào DTTS trên địa bàn đã ổn định cuộc sống, không còn tư tưởng di cư tự phát.

Hay tại tỉnh Yên Bái, với việc triển khai đồng loạt, hiệu quả các chính sách về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm... từ nguồn lực của các chương trình chính sách như: Chương trình 135; Quyết định 2085/QĐ-TTg; Quyết định 2086/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ thực hiện định canh định cư... đã giúp ổn định đời sống người dân và hạn chế tình trạng di cư tự phát trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, số lượng nhân khẩu di cư tự phát đã giảm dần qua từng năm. Cụ thể, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, năm 2016 toàn tỉnh có 15 hộ 78 khẩu di cư tự phát; năm 2017 có 13 hộ 61 khẩu; năm 2018 có 06 hộ, 30 khẩu; năm 2019 có 05 hộ, 25 khẩu và đến năm 2020, đã giảm xuống chỉ còn 01 hộ, với 4 khẩu di cư tự phát...

Trao đổi về giải pháp ổn định tình trạng di cư tự phát, ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng, Vụ Địa phương II, Ủy ban Dân tộc cho rằng, từ thực tế tình hình di cư tự phát tại Tây Nguyên trong những năm qua, để góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế và hạn chế việc di cư tự phát của một bộ phận hộ đồng bào DTTS, trước hết cả địa phương có dân đi và dân đến phải quản lý dân cư hiệu quả.

Để làm được điều này, các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, các tỉnh cần chủ động phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào…

Đặc biệt tới đây, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đi vào triển khai, các địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tận dụng hiệu quả nguồn lực, để giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó phấn đấu đến hết năm 2025, chấm dứt hẳn tình trạng di cư tự phát.

Đó chính là những quyết sách cho vấn đề di cư tự phát.



Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.