Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Rền vang tiếng máy nơi đại ngàn Pù Mát

Thanh Hải - 19:40, 13/09/2024

Bầu tĩnh lặng của đại ngàn Pù Mát, Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) thời gian qua bị phá tan bởi những tiếng ầm vang, rộn rã nhiều thứ tiếng từ máy xúc, máy ủi, máy khoan cọc cạch liên hồi… cùng tiếng của những chuyến xe tải chở nguyên vật liệu xây dựng từ trung tâm xã Môn Sơn ra vào hối hả. Nơi thâm sơn đại ngàn Pù Mát đang từng bước xuất hiện những công trình phục vụ đời sống dân sinh cho bà con Đan Lai.

Máy móc thi công đường giao thông nối 2 bản Co Phạt và Khe Búng với trung tâm xã Môn Sơn
Máy móc thi công đường giao thông nối 2 bản Co Phạt và Khe Búng với trung tâm xã Môn Sơn

Con đường đất non 20km, lởm chởm, trơn trượt nối trung tâm xã Môn Sơn và 2 bản làng người Đan Lai là Co Phạt và khe Búng trở nên lầy lội hơn sau những ngày mưa. Có đoạn, đường như ruộng bùn đặc quánh. Cũng có đoạn, là hai rãnh bánh xe chạy song song, sền sền bùn nước. Ấy là vết tích mà bao chuyến xe tải hạng nặng chở nguyên vật liệu vào phục vụ thi công các công trình dân sinh cho người Đan Lai theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG 1719). 

"Đơn vị thi công rất vất vả khi vận chuyển nguyên vật liệu trên chính con đường độc đạo này. Trên tuyến đường, có một con dốc rất cao, cao đến mức mà những chiếc xe tải sau khi đổ cát, đá phục vụ công trình, lại phải “xin thêm” mấy khối đất trong này chở ra để có độ đằm mà di chuyển", anh Nguyễn Hữu Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông chia sẻ.

Anh Thịnh bộc bạch, thú thật, có lúc đơn vị cũng đã nản, vì quãng đường khổ ải. Nhưng, nghĩ đến ánh mắt đợi chờ đầy hi vọng của người dân Đan Lai bên những công trình dân sinh đang được dựng xây, vậy là thêm động lực để chúng tôi bước tiếp.

Và rồi, bản Co Phạt hiện ra trước mắt với tất cả đói nghèo, lạc hậu. Những mái nhà lợp bằng lá, thưng phên nứa. Dường như, những căn nhà của đồng bào Đan Lai nơi đây đều chung cảnh ngộ thấp lè tè, nhỏ bé.

Một nếp nhà của người Đan Lai
Một nếp nhà của người Đan Lai

Ấn tượng với chúng tôi ở Co Phạt là tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông. Những cung đường sáng loáng xi măng, mới được dựng xây, chạy ngoằn nghoèo theo độ dốc của triền núi, như mang đến một sắc thái mới cho cuộc sống vốn đói nghèo, lạc hậu và trì trệ ở vùng đất thâm sơn này. Bí thư Chi bộ bản Co Phạt La Văn Linh bảo: Bà con ưng cái bụng lắm, phấn khởi lắm. Có đường giao thông sạch sẽ, đi lại rất thuận tiện và êm cái chân lắm.

Ở trung tâm bản Co Phạt, là điểm trường tiểu học đã xây dựng xong, đang hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng. Còn điểm trường mầm non, nằm sát ngã tư của trục đường nội bản, hãy còn dang dở hơn. Thềm nhà, sân chơi, bờ bao… vẫn chưa được hoàn thiện. Hôm chúng tôi ghé thăm là đã sát ngày khai giảng năm học mới. Không ai bảo ai, nhưng bụng thì đã nghĩ thầm: Vậy là con trẻ không kịp đón năm học mới tại ngôi trường rồi, thật tiếc.

Dẫu vậy thì giữa những mái nhà thấp bé của người Đan Lai là bao phòng học mới toanh, thơm mùi sơn mới, khiến bao người háo hức đến lạ. Những dãy phòng học ấy, được đổ bê tông chắc chắn, sừng sững giữa bản làng Co Phạt như khẳng định chắc chắn thêm rằng: sự học là con đường ngắn nhất để vượt rừng ra với thế giới bên ngoài. Điều mà với rất nhiều người Đan Lai từng nghĩ, đi ra khỏi rừng cũng quá đỗi là xa xỉ.

Điểm trường mầm non tại bản Co Phạt còn rất dang dở
Điểm trường mầm non tại bản Co Phạt thi công còn dang dở

Chúng tôi rất ấn tượng về hệ thống nước sinh hoạt được đơn vị thi công lắp đặt, kéo về tận bản. So với trước đây, phải xách can, xô ra khe Khặng, sông Giăng, thì nay quá thuận lợi và tiện dụng. Việc lấy nước từ hệ thống nước sinh hoạt tập trung, còn thêm gắn kết cộng đồng, đảm bảo an toàn hơn so với phải ra sông, ra suối, nhất là trong thời điểm mưa bão.

Đi sâu thêm vào bản làng Co Phạt, những nếp nhà tranh phên nứa thấp bé, nằm nép mình giữa đại ngàn Pù Mát, như chính số phận của những người Đan Lai trong chính căn nhà ấy: nghèo đói, vất vả…

Đang rảo bước, chợt giật mình vì tiếng máy rì rì ngày càng gần. Thì ra, đó là một máy xúc cỡ lớn, đang ngoạm những gàu đất to ở sườn núi, đổ sang bên cạnh. Đơn vị thi công đang thực hiện dự án mở đường nối trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản Co Phạt và khe Búng. Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư huyện Con Cuông Nguyễn Hữu Thịnh thông tin: Đơn vị thi công đã đổ bê tông chừng hơn 2km, tính từ bản khe Búng ra. Còn ở phía ngoài, đoạn đi qua bản Co Phạt thì đã san gạt xong nền đường.

Dù còn bao khó khăn, trắc trở, nhưng hôm nay cuộc sống của người dân ở bản Co Phạt đang từng bước thay đổi, từ đường giao thông, ánh điện sáng...và màu xanh của những ruộng lúa đang thì con gái
Dù còn bao khó khăn, trắc trở, nhưng hôm nay, cuộc sống của người dân ở bản Co Phạt, nơi Vườn quốc gia Pù Mát đang từng bước thay đổi, từ đường giao thông, ánh điện sáng...và màu xanh của những ruộng lúa đang thì con gái

Khu vực thi công đường giao thông nối liền hai bản, có lẽ là nơi rầm rộ nhất, bởi tiếng máy trộn bê tông, tiếng máy múc rì rì và những chuyến xe tải chở nguyên vật liệu vào ra hối hả. Trên tuyến giao thông huyết mạch này, là những cây cầu treo đang xây dựng dang dở. Những trụ cầu cũng vừa mới được đổ xong phần móng nằm cạnh mép khe Khặng gầm gào suốt ngày đêm. Cán bộ kỹ thuật phục vụ công trình thi công than thở: Quãng đường vận chuyển vật liệu quá xa, lại qua nhiều khe suối nên chi phí thi công đội lên rất nhiều.

Sau rất nhiều năm trở lại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, điều khiến bao người vui vẻ, háo hức, là cuộc sống của bà con dân bản đang ngày một đổi thay. Điều đổi thay, không hẳn đến từ những công trình dân sinh như điện thắp sáng, đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, trường học… được dựng xây. Mà quan trọng hơn, chúng tôi đã bắt gặp những thửa ruộng của bà con, lúa đang ở thì con gái. Trong nhiều nếp nhà, đã có những trâu bò, rồi cả lợn, gà… Ngoài những giờ theo người lớn lên rừng, ra suối thì con trẻ Đan Lai cũng đã đến trường học chữ đầy đủ. Tiếng ê a, rộn rã sống động giữa đại ngàn.

Trên con đường trở lại trung tâm xã Môn Sơn, chúng tôi lựa chọn hành trình ngồi thuyền máy. Trước các điểm trường mầm non và tiểu học, con đường bê tông nội bản đã được đổ ra sát mép sông; tiếp giáp với dòng sông Giăng là kè chống sạt lở với những bậc tam cấp xây chắc chắn. Xuôi theo đường thủy để ngắm dòng sông Giăng với những ghềnh đá hiểm trở. Những tảng đá ngầm nhô ra giữa lòng sông, như chực chờ những con thuyền va vào để đánh đắm. 

Đường vào bản làng người Đan Lai, cả thủy trình lẫn bộ trình vẫn đang còn đầy nhọc nhằn, trắc trở như vậy./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.