Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Rộn ràng mùa Lễ dâng y Kathina của đồng bào Khmer Nam bộ

N.Tâm – H.Diễm - 14:54, 27/10/2022

Hàng năm vào thời điểm từ 15/9 đến 15/10 âm lịch đồng bào Khmer Nam bộ lại rộn ràng trong không khí tổ chức lễ Kathina. hay còn gọi là dâng y cà sa. Đây là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, thể hiện ước nguyện về sự bình an, yên ấm cho gia đình, bình an cho cho phum sóc, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa. Ngoài tấm lòng thành kính, dâng áo cà sa, cũng như nhiều vật dụng sinh hoạt đến các chư tăng, dịp này các phật tử tổ chức quyên góp tu sửa trường học, đường cầu, nhà tăng, nhà hội...

 Các vật phẩm được chuẩn bị chu đáo trong ngày lễ Kathina
Các vật phẩm được chuẩn bị chu đáo trong ngày lễ Kathina

Trong ngôn ngữ kinh điển của phật giáo Nam tông “Kathina” có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Lễ dâng y của phật tử người Khmer sẽ gieo nhiều phúc đức, và việc người nhận y cà sa là các nhà sư sẽ viên mãn trong quá trình tu tập. Lễ Kathina được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày lễ Ok Om Bok cúng trăng. Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho Phật tử trong phum sóc biết để tiến hành ngày làm lễ Kathina.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố, Phó hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây: Việc dâng y cà sa là việc làm được nhiều phước báo, nên rất nhiều gia chủ muốn đăng kí trở thành người đứng ra tổ chức được gọi là thí chủ.

 Việc lựa chọn thí chủ không phân biệt giàu nghèo, mà làm theo thứ tự nên bất kì ai cũng được đăng kí tổ chức. Một mùa dâng y có thể một hoặc nhiều gia đình cùng đứng ra tổ chức. Gia đình thí chủ được lựa chọn,sẽ chuẩn bị nghinh lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng, nhất là các lễ vật thiết yếu dùng trong nhà chùa và dùng trong sinh hoạt của chư tăng như: Áo cà sa, bình bát để sư khất thực, nhu yếu phẩm, tập viết… Đây là những vật phẩm để chư tăng dùng trong học tập và sinh hoạt hằng ngày, trong đó chiếc áo cà sa là lễ vật rất quan trọng không thể thiếu.

Các phật tử thành kính dâng cà sa và các vật dụng đến các vị sư
Các phật tử thành kính dâng cà sa và các vật dụng đến các vị sư

Về các chùa Nam tông Khmer vào những ngày này, chúng ta sẽ có dịp hòa mình vào các nghi thức trang trọng, cũng như trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer nơi đây.Tại các chùa tổ chức lễ dâng y cà sa, trước khi bước vào lễ chính Phật tử sẽ nhiễu y ba vòng xung quanh chánh điện, sau đó tập trung quanh các vị sư sãi tăng thọ y cà sa.

Tiếp đó là thực hiện các nghi thức quan trọng: Lễ quy y Tam Bảo, lễ dâng hoa cúng dường Tam Bảo và thọ trì quy giới, chư Tăng và Phật tử làm lễ bái Tam Bảo, nghe thuyết pháp về “Quả báu dâng y Kathina”, sau đó thực hiện dâng y cà sa, dâng tứ vật dụng tới tăng đoàn... Sau các nghi thức này, chư tăng tụng kinh cầu an, chúc phúc tới gia đình các Phật tử, chia phúc tới thân quyến.

Sau các nghi lễ long trọng của Lễ dâng y cà , trong không gian quanh chùa sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như: hát dù kê, biểu diễn nghệ thuật, múa trống Sadăm, Chằn, chúc phúc, nhạc ngũ âm… Nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác về đêm cũng được tổ chức, phục vụ đông đảo bà con Phật tử và du khách.

Các vị sư thực hiện nghi lễ cầu nguyện, chúc phúc cho thí chủ dâng y cà sa DY4: Những chú khỉ Hanuman nhảy múa sinh động, cùng dàn nhạc ngũ âm góp phần tạo thêm âm vang cho ngày lễ dâng y tại chùa Som Rong (Sóc Trăng)
Các vị sư thực hiện nghi lễ cầu nguyện, chúc phúc cho thí chủ dâng y cà sa tại chùa Som Rong, phường 5, TP. Sóc Trăng

Anh Quách Thanh (Phường 5, TP. Sóc Trăng) là phật tử của chùa Som Rong cho biết: “Năm nay, gia đình được chọn để đứng ra tổ chức lễ. Hai năm qua, do dịch bệnh Coviid nên việc tổ chức lễ dâng y phải thu hẹp. Năm nay, bà con rất háo hức nên Lễ sẽ diễn ra lớn hơn. Mọi công việc đều được gia đình chuẩn bị rất chu đáo, ngoài lễ vật truyền thống, như áo cà sa, bình bát để sư sãi khất thực, tập, viết, còn có đồ ăn, thuốc men...”

Phật tử trang nghiêm dâng y cà sa tại chùa Pitu Khôsa Răngsây ( TP Cần Thơ)
Phật tử trang nghiêm dâng y cà sa tại chùa Pitu Khôsa Răngsây ( TP Cần Thơ)

Dâng y Kathina là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer Nam bộ, với nhiều nghi thức truyền thống và các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết giữa chư tăng, phật tử trong phum, sóc.

Thượng tọa Lý Minh Đức, đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Phó hội Trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Som Rong cho biết: Tại Sóc Trăng, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cùng với Ban trị các chùa Nam tông Khmer đã xây dựng kế hoạch tổ chức các ngày lễ thật chu đáo, đảm bảo đúng nghi lễ, nghi thức của các lệ hội truyền thống. Ngoài các nghi lễ truyền thống được thực hiện đầy đủ, các chương trình văn nghệ trò chơi dân gian được các chùa tổ chức thu hút rất đông đồng bào phật tử và du khách đến tham gia.

Tin cùng chuyên mục
Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Dân tộc Mông ở Cao Bằng chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, gồm 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Hiện nay, đồng bào Mông ở Cao Bằng luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc...