Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Rưng rưng những vần thơ tri ân

Lương Định - 18:30, 19/07/2021

Trong kho tàng văn học Việt Nam đương đại, có nhiều tác phẩm viết về đề tài thương binh, liệt sĩ đã gây xúc động mạnh trong lòng độc giả. Những sáng tác về đề tài chiến tranh, người lính, mẹ Việt Nam Anh hùng được thể hiện qua nhiều vần thơ như một sự tri ân đối với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ…

Chương trình “Màu hoa đỏ” là hoạt động tri ân các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên cả nước.
Chương trình “Màu hoa đỏ” là hoạt động tri ân các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước. (Ảnh TL)

Máu và nước mắt của người trong cuộc

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều thế hệ học sinh đã nhói lòng xúc động khi đọc những câu thơ thương xót, đớn đau của nhà thơ Hoàng Lộc khi thắp nhang “Viếng bạn”.

Mở đầu bài thơ đã là những câu thơ gây xúc động mạnh, chạm tới nỗi niềm sâu thẳm về thân phận mong manh giữa sự sống và cái chế của người lính: “Hôm qua còn theo anh/Đi qua đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/Đắp cho người dưới mộ”. Bài thơ nói về sự mất mát, nỗi đau tột cùng khi mất đi đồng đội khiến người đọc cảm thấy quặn thắt và sự căm hờn tột cùng kẻ thù đã gây ra cái chết cho người lính: “Khóc anh không nước mắt/Mà lòng đau như thắt/Gọi anh chửa thành lời/Mà hàm răng dính chặt/Ở đây không gỗ ván/Vùi anh trong tấm chăn…”.

“Tây Tiến” là bài thơ của cố thi sĩ Quang Dũng, được in trong tập “Mây đầu ô” và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Bài thơ có những câu thơ viết về sự gian khổ trong cuộc sống và chiến đấu của người lính vừa hào hùng, vừa bi thương: “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhưng ngay sau đó là hình ảnh những nỗi đau đầy bi thương về sự hy sinh, về “những nấm mồ viễn xứ”: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Liệt sĩ Trần Thị Bắc
Liệt sĩ Trần Thị Bắc

Từ một câu chuyện tình có thật, vừa lãng mạn vừa bi tráng của nữ du kích, liệt sĩ Trần Thị Bắc với một anh bộ đội cùng quê xóm Chùa, thôn Xuân Đoài, thuộc xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội mà cố nhà thơ Vũ Cao đã viết nên bài thơ “Núi đôi” để đời. “Núi đôi” với những câu thơ da diết đã chạm tới tận cùng nỗi đau đến bàng hoàng của người lính trong cuộc chiến, khi trở về làng nghe tin người vợ trẻ là nữ du kích ở hậu phương tham gia chiến đấu và hy sinh trong một trận càn đã làm lay động hàng triện trái tim độc giả nhiều thế hệ. Có thể nói, nguyên mẫu liệt sĩ Trần Thị Bắc đã hóa thân bất tử trong bài thơ “Núi đôi”: “Mới tới đầu ao, tin sét đánh/Giặc giết em rồi dưới gốc thông…/Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/Hàng thông bờ cỏ con đường quen/Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/Núi vẫn đôi mà anh mất em…/Ai viết tên em thành liệt sĩ/Bên những hàng bia trắng giữa đồng/ Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí/Một tấm lòng trong vạn tấm lòng”.

Mỗi câu thơ là một nén nhang tri ân

Thơ viết về đề tài thương binh, liệt sĩ ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của các cuộc chiến đều có những thi phẩm hay, với mỗi câu thơ như một nén nhang tri ân các Anh hùng liệt sĩ khiến người đọc rưng rưng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà thơ đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, vì thế xuất hiện rất nhiều bài thơ miêu tả một cách chân thực, cận cảnh những hy sinh mất mát của người lính.

Với cố nhà thơ Thanh Hải từng tham gia kháng chiến tại chiến trường khốc liệt vùng Bình - Trị - Thiên, thường xuyên nằm trong những làn đạn và vòng vây của quân thù nên ông ít sáng tác. Nhưng chỉ với bài thơ “Mồ anh hoa nở” đạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Thống Nhất năm 1960, tên tuổi ông đã sống mãi trong lòng độc giả. Với những câu thơ biến đau thương thành hành động cách mạng, cái chết, đám tang của người lính đã trở thành một cuộc xuống đường phản kháng mãnh liệt, bất chấp hy sinh của đông đảo quần chúng yêu nước ở miền Nam khi đó: “Hôm qua nó giết anh/Xác phơi đầu ngõ xóm/Khi lũ chúng quay đi/Mắt trừng còn dọa dẫm/Thằng này là cộng sản/Không đứa nào được chôn…/Không đứa nào được chôn/Lũ chúng vừa quay lưng/Chiếc quan tài sơn son/Đã đưa anh về mộ/ Đi theo sau hồn anh/Cả làng quê, đường phố/Cả lớn nhỏ, gái trai/Đám càng đi càng dài/Càng dài càng đông mãi…”.

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Đặc biệt, dù bị kẻ thù tìm mọi cách ngăn cản, khủng bố, nhưng phần mộ của người chiến sĩ luôn được những người dân trong vùng chăm sóc một cách chu đáo, trồng và vun đắp những cây hồng tô điểm cho phần mộ thêm phần linh thiêng: “Mộ anh trên đồi cao/Cành hoa này em hái/Vòng hoa này chị đơm/Cây hồng này em ươm/Em trồng vào trước cửa/Mộ anh trên đồi cao/Hoa hồng nở và nở/Hương thơm bay và bay…”.

Bài thơ được khép lại với những câu thơ, hình tượng thơ được nâng lên một tầm khái quát, trở thành biểu tượng bất tử về sự hy sinh của người chiến sĩ: “Trên mộ người cộng sản/Hoa hồng đỏ và đỏ/Như máu nở thành hoa”.

Trong thời hậu chiến, thơ viết về đề tài thương binh, liệt sĩ càng thấm thía, khắc khoải hơn. Bởi lẽ những cuộc chiến khốc liệt đã qua nhưng còn biết bao hài cốt của các liệt sĩ vẫn nằm rải rác, ẩn khuất đâu đó trên những cách rừng Trường Sơn, Tây Nguyên, Campuchia, Lào, vùng núi phía Bắc và biển đảo. Trong số họ, nếu có ai đó được đưa vào chôn cất trong các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương cũng chỉ là những ngôi “mộ gió”, những ngôi mộ nằm dưới đó chỉ là những hình nhân bằng đất sét, không có hài cốt, để thân nhân các anh hùng liệt sĩ được an ủi về mặt tâm linh.

Bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc viết về sự hy sinh của những người lính giữa biển đảo, vì thế thật sự buốt nhói, có sức lan tỏa lớn là lay động hàng triệu trái tim người đọc hôm nay. “Mộ gió đây/Đất thành xương cốt/Cứ gọi lên là rõ hình hài/Mộ gió đây cát vun thành da thịt…/Chạm vào gió như chạm và da thịt/Chạm vào/Buốt nhói/ Hoàng Sa…/Mộ gió đây/Giăng từng hàng lớp lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi”.

Trước những nấm mồ không tên, không ngày sinh, quê quán của các Anh hùng liệt sĩ, tác giả bài thơ “Tên liệt sĩ” (Phạm Thị Giáp) dù chỉ khắc họa mấy câu thơ lục bát dung dị, mộc mạc nhưng có sức truyền cảm mạnh mẽ khiến người đọc thật nao lòng xót xa.

“Anh là con mẹ, con cha/Có tên tuổi, bước xa nhà tòng quân/Anh đem cống hiến tuổi xuân/Xông pha đánh giặc nơi gần, nơi xa/Chiến trường ngã xuống vậy mà/Thành “vô danh” giữa bao là mộ thiêng”.

Lễ thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn tri ân các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh TL)
Lễ thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn tri ân các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh TL)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên khắp các vùng chiến sự ác liệt năm xưa, máu xương của các Anh hùng liệt sĩ “mãi mãi tuổi hai mươi” đã hóa thân vào mỗi ngọn núi, dòng sông, trở thành biểu tượng của tâm linh “hồn thiêng sông núi”. Thăm lại chiến trường xưa, nhiều nhà thơ, nhà báo cựu chiến binh đã rưng rưng viết lên những câu thơ tri ân đồng đội thật xúc động lòng người: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn nằm” (“Đò lên Thạch Hãn”- tác giả Lê Bá Dương).

Sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã, đang và sẽ mãi được đền đáp tri ân và hóa thân vào mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của các thế hệ nhà thơ lưu lại cho mai sau. Đó chính là tượng đài được dựng lên bất tử trong trái tim mỗi chúng ta để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên” trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024, tối ngày 10/10, tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum) đã diễn ra chương trình Đêm hội cồng chiêng, với chủ đề “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”.