Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Rừng Tây Bắc, điện sông Đà

Lù văn Que - 00:47, 29/01/2020

Tây Bắc nước ta có thế mạnh về rừng. Chỉ tính riêng các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình đã có hơn một triệu héc ta đất rừng và hơn hai triệu héc ta đất trống đồi núi trọc, chiếm khoảng ba phần năm diện tích tự nhiên. Rừng Tây Bắc nước ta cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, một nguồn lợi rất lớn về nhiều mặt, nguồn cung cấp nước đều đặn của sông suối, có tác dụng lớn trong việc chống thiên tai, địch họa, giữ môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến vấn đề sống còn của dân tộc…

Rừng và thủy điện là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc.
Rừng và thủy điện là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc

Rừng Tây Bắc và điện sông Đà

Đó là hai vấn đề khác nhau, nhưng có liên quan và tác động lẫn nhau, là hai vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ riêng của Tây Bắc mà còn là của cả nước.

Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đi vào nước ta ở Mường Tè, qua 4 tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, chảy xuôi về nối với sông Hồng. Sông Đà có lưu vực hữu và tả rộng, có hơn 180 sông suối chảy vào sông Đà, tạo ra khối nước sông Đà lớn, lại ở độ cao nên có nhiều thác ghềnh và có dòng chảy mạnh,… Khi nghiên cứu và bàn về phát triển thủy điện, nhiều người cho rằng, khối nước sông Đà này rồi đây sẽ không còn là nguồn thủy tai để trở nên nguồn thủy lợi và sức điện; sông Đà là nguồn thủy điện vô tận, thủy điện là một lợi thế đặc thù của Tây Bắc.

Do yêu cầu phát triển nguồn điện và để giải quyết nhu cầu thiếu điện của cả nước, chúng ta phải khai thác tiềm năng thủy điện sông Đà. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng ba công trình thủy điện lớn là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên sông Đà. Đó là việc làm có ý nghĩa chiến lược, “ích nước, lợi dân”, nhằm cung cấp điện năng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chống lũ và chống hạn cho đồng bằng Bắc bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc,… Nếu không xây dựng các công trình thuỷ điện đó trên sông Đà thì hằng năm sẽ làm lãng phí khối nước sông Đà cứ tự nhiên trôi đi, Tây Bắc của ta sẽ vẫn đói nghèo!

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước

Lâu nay, chúng ta nói đã nhiều và làm cũng nhiều về phát huy thế mạnh rừng, có Chương trình 327, 661,… Nhưng ai cũng thấy, rừng Tây Bắc đã bị tàn phá nhiều, độ che phủ của rừng rất thấp, không còn “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, đồi núi trọc nhiều, làm mất nước, đất xói mòn, gây lũ lụt, làm biến đổi khí hậu,… Đó là một nguy cơ lớn. Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu là do con người, chưa có nhận thức sâu sắc “không có rừng, có cây, người ta không thể sống được”; có luật pháp và chính sách về bảo vệ và trồng rừng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hợp lòng dân; chưa phát động được toàn dân bảo vệ và trồng rừng, chưa thực hiện tốt các giải pháp lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi lại người,…

Rừng Tây Bắc lại là vùng đầu nguồn của sông Đà; chúng ta biết, có rừng mới có nước, là nguồn của sông Đà, tạo cho sông Đà là nguồn thủy điện vô tận. Nếu Tây Bắc không phát huy được thế mạnh về rừng, không ngăn chặn được nạn phá rừng thì hằng ngày sẽ làm cạn kiệt nguồn nước sông Đà, các Nhà máy thuỷ điện trên sông Đà sẽ không phát điện được,… đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẽ tiếp tục đói nghèo, khó lường được những hậu quả xấu.

Phát huy thế mạnh

Khai thác tiềm năng thuỷ điện trên sông Đà, phát huy được thế mạnh rừng ở Tây Bắc là hai việc quan trọng, có tác động lẫn nhau. Đòi hỏi Trung ương và các tỉnh Tây Bắc phải tạo bước chuyển mới là, tập trung trồng rừng nguyên liệu và rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, sớm nâng cao độ che phủ của rừng, xóa giảm được đồi núi trọc; coi trọng việc bảo vệ rừng, kiên quyết phòng chống cháy rừng, chống phá rừng trái phép. Các tỉnh Tây Bắc (nhất là Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu) làm rừng là làm điện; ngược lại, làm điện có hiệu quả cũng để làm rừng tốt hơn, như rất cần có điện thắp sáng, mới có công nghiệp chế biến lâm sản thành hàng hóa, sẽ ngăn chặn được nạn phá rừng,…

Cán bộ cùng người dân cùng nhau tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ cùng người dân cùng nhau tuần tra bảo vệ rừng

Việc then chốt là, mọi người phải có nhận thức và hành động yêu quý rừng, nó quyết định sự sống của mình; Trung ương có cơ chế và chính sách phát triển rừng, bảo vệ rừng hợp lý, có tính khả thi; phát động được toàn dân tự giác trồng rừng và bảo vệ rừng có hiệu quả, đẩy mạnh giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc làm rừng, hỗ trợ cho đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc, tăng diện tích trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, để đồng bào sống bằng nghề rừng mới xóa được đói nghèo. Nếu ai không làm tốt việc này, đã giáo dục nhiều lần mà không sửa, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm minh theo luật pháp, luật tục của đồng bào dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.