Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sắc mới trên vùng tái định cư ở Thanh Chương

Nguyễn Thanh - 00:36, 14/07/2024

Nhường đất cho công trình thủy điện Bản Vẽ, hàng ngàn hộ đồng bào Thái, Khơ Mú đã di dời từ huyện Tương Dương về định cư ở vùng đất mới Thanh Chương (Nghệ An). 18 năm trên vùng đất mới, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên nhìn vào kết quả thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III của huyện cho thấy, giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 5%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2024 tăng gần gấp đôi so với năm 2019...

Xã TĐC Ngọc Lâm trên vùng đất Thanh Chương đang ngày càng phát triển nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc
Xã TĐC Ngọc Lâm trên vùng đất Thanh Chương đang ngày càng phát triển nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc

Chúng tôi về các xã Tái định cư (TĐC) Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) không biết bao lần, và mỗi lần lại cảm nhận thêm những đổi thay mới mẻ. Rõ nhất là quanh những căn nhà TĐC ở các bản làng không còn là những mảnh vườn đầy cỏ dại. Những khóm chuối mướt xanh; nương sắn, rừng keo bạt ngàn; con trẻ nô nức đến trường… là bức tranh sống động về cuộc sống của người dân sau gần 20 năm nỗ lực dựng xây.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng rất hồ hởi khi chúng tôi đề cập đến những đổi thay của vùng DTTS sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III (2019-2024). Ấy là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44% (năm 2019) xuống còn 30,9% (năm 2023), bình quân hằng năm giảm 5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019, là 16,5 triệu đồng, nhưng đến năm 2023, là 31,5 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2019.

Phát huy lợi thế vùng đồi núi, đồng bào đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, xây dựng NTM ở các địa phương. Trong đó, tập trung sản xuất theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. 

Đồng bào được hỗ trợ sinh kế từ lợn giống sinh sản
Đồng bào được hỗ trợ sinh kế từ lợn giống sinh sản

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều người dân không cam chịu đói nghèo trên vùng đất mới đã nỗ lực vươn lên, thi đua phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân. Trên các bản làng TĐC đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất giỏi, xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp. Các mô hình phát triển đa dạng, lấy ngắn nuôi dài, tạo thu nhập bền vững. Trong số những tấm gương ấy, là hộ gia đình ông Lương Văn Phượng, Lương Văn Thái ở bản Tân Hợp, xã Ngọc Lâm; gia đình ông Vi Văn Tuyên, Vi Thanh Nghệ ở bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn…

Tương trợ, đoàn kết, các hộ dân đã giúp đỡ lẫn nhau về vốn, giống cây con; xây dựng phường lúa, phường tiền, tổ tiết kiệm; trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế giữa các hộ gia đình, giữa các dân tộc với nhau trong cộng đồng.

Sát sườn hơn với cuộc sống của người dân, đồng bào ở những bản làng TĐC đã được thụ hưởng nhiều dự án, chính sách dân tộc thiết thực như, cấp 100 tec đựng nước sinh hoạt, 156 con bê cái sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo; đào tạo nghề cho 895 lao động, trong đó có trên 146 lao động tham gia xuất khẩu tại nước ngoài và hàng trăm lao động có việc làm tại chỗ; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 54%, năm 2024 là 64%. Nhiều cây, con giống cũng đã được hỗ trợ cho người nghèo ở 2 xã TĐC, giúp người dân có thêm điều kiện có cơ hội vươn lên khẳng định bản thân trên vùng đất mới.

Hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã có 357ha lúa nước 2 vụ, giúp đồng bào tự túc được một phần lương thực
Hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã có 357ha lúa nước 2 vụ, giải quyết cơ bản vấn đề lương thực cho các hộ

Vùng đồng bào DTTS Thanh Chương bao gồm 2 xã TĐC Thanh Sơn và Ngọc Lâm, thuộc khu vực III với 13 thôn, bản; chủ yếu là đồng bào Thái và Khơ Mú sinh sống. Trong giai đoạn thực hiện quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Thanh Chương, tổng kinh phí đã cấp cho 2 địa phương là 24,52 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 công trình giao thông, 3 công trình trường học, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, tổ chức duy tu bảo dưỡng được 9 công trình khác...

Bên cạnh đó, các hoạt động an sinh xã hội cũng đã góp phần quan trọng tăng các tiêu chí NTM đạt từ 2-3 tiêu chí/xã, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 10,4%. Trong đó, tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 377 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019 là 180 tỷ đồng,

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Thanh Chương lần thứ III, năm 2019, nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc; chương trình MTQG đã được thực hiện đồng bộ, thiết thực giải quyết được nhiều vấn đề thiết yếu dân sinh nên đạt được những kết quả tích cực. 

Nổi bật là, cơ sở hạ tầng được tăng cường làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, các giá trị về lịch sử, văn hóa DTTS ngày càng được duy trì và phát huy hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; đồng bào các dân tộc phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, yên tâm xây dựng cuộc sống mới...

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Thanh Chương lần thứ IV, năm 2024, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra. Đó là nâng tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 70%; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS xuống dưới 15%; cả năm sản xuất 360ha lúa, năng suất 65 tạ/ha; đến năm 2029 đảm bảo diện tích chè cho thu hoạch ổn định là 500ha...