Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Sách giáo khoa mới tăng giá: Bài toán khó cho học sinh vùng DTTS

Kim Anh - 11:56, 29/05/2022

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng từ năm học 2022 - 2023 có mức giá cao hơn 2 - 3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Việc tăng giá sách năm học tới sẽ là áp lực không nhỏ đối với phụ huynh học sinh ở vùng DTTS, miền núi.

Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. (Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam)
Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. (Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam)

Phụ huynh, giáo viên đều lo lắng

Những ngày cuối tháng 5, năm học 2021 - 2022 sắp kết thúc, học sinh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè trước khi đến với năm học mới 2022 - 2023. Kết thúc năm học cũ, chuẩn bị bắt đầu năm học mới nhưng cũng là thời điểm nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng khi nghe tin sách giáo khoa (SGK) tăng giá. Với phụ huynh, học sinh vùng DTTS thì lo lắng càng thêm gấp bội bởi điều kiện kinh tế khó khăn.

Nhà có 3 con đang trong độ tuổi đi học, trong đó có 2 bé sắp lên lớp 7 và lớp 10, anh Sùng A Páo (dân tộc Mông, trú tại thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vô cùng băn khoăn làm thế nào để có đủ kinh phí cho các con có bộ sách đi học đầy đủ.

Hai vợ chồng anh Páo thu nhập chính từ trồng quế và cây ăn quả các loại mỗi tháng được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Những năm trước, nếu học chương trình sách cũ giống nhau, em nhỏ sẽ sử dụng lại sách của các anh chị lớn trong nhà. Tuy nhiên, từ 2 năm trước sách giáo khoa lớp 1 thay đổi nên anh phải mua mới hoàn toàn cho các con. Đến năm nay, 2 con đều học theo chương trình sách giáo khoa mới lớp 7 và lớp 10 tăng gấp 2 - 3 lần sách cũ khiến anh khá lo lắng.

“Tôi mong muốn nhà xuất bản (NXB) cân đối, tiết kiệm tối đa chi phí giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Bởi vì, SGK là tài liệu bắt buộc học tập của con, vì vậy bố mẹ nào cũng phải mua đầy đủ. Tuy nhiên, với những nhà có 3 con đến tuổi ăn, tuổi học như gia đình tôi, thì mỗi một lần thay đổi chương trình học rồi giá sách tăng quả thực rất áp lực”, anh Páo trăn trở.

Không chỉ phụ huynh học sinh lo lắng trước thông tin giá SGK tăng, nhiều thầy cô giáo cũng vô cùng e ngại với những học sinh ở vùng cao không đủ tiền mua sách, nhất là sau tình hình dịch bệnh vừa qua.

Cô Ma Thúy Ngần (giáo viên dạy trường Trung học cơ sở xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Xã Đào Viên là địa bàn biên giới có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó trường THCS xã Đào Viên còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Do vậy, việc SGK tăng giá là một bài toán khó đối với học sinh vùng DTTS.

Cô Ngần chia sẻ, trường có 100% học sinh là DTTS bố mẹ chủ yếu làm nông nghiệp. Phụ huynh thường sẽ không thể bỏ ra một khoản tiền ngay từ đầu năm học để có thể trang bị đầy đủ đồ dùng học tập. Họ còn phải cân nhắc rất nhiều, bởi nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa nên việc trang bị đồ dùng, học phí… cũng phải đắn đo.

“Nhiều gia đình không có đủ kinh phí, nhà trường đã tạm ứng hỗ trợ sách cho các em, tuy nhiên có những gia đình đến cuối năm vẫn chưa trả được tiền sách. Năm nay, các em phải học chương trình mới, lại mua sách mới. Việc thay đổi chương trình khiến cho thầy cô và học sinh khó bắt nhịp được”, cô Ngần nói.

Thầy cô và phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nàn Xỉn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) đều lo lắng trước thông tin giá SGK tăng
Thầy cô và phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nàn Xỉn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) đều lo lắng trước thông tin giá SGK tăng

Cần có chính sách gỡ khó cho học sinh vùng DTTS

Thầy Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nàn Xỉn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) nhìn nhận, giá sách tăng sẽ khiến cho phụ huynh và nhà trường khó khăn hơn. “Nguồn tiền cung cấp hỗ trợ cho học sinh DTTS sẽ không đủ nên nhà trường không thể mua đủ hết các danh mục theo chương trình học mà chỉ mua những quyển cần thiết như sách giáo khoa, sách bài tập cho các em. Tuy nhiên, học sinh lớp 3 năm nay theo chương trình mới nên buộc nhà trường phải tìm cách mua đủ sách cho các em”, thầy Hiệp thông tin.

Thầy Hiệp cho biết, trường Tiểu học Nàn Xỉn có 21 lớp, gồm 1 trường chính và 7 điểm lẻ tại các thôn, với 469 học sinh. Hai năm vừa qua, học sinh lớp 1 học theo chương trình mới phụ huynh phải mua sách mới hoàn toàn, không thể tận dụng được nguồn sách cũ. Với những gia đình không có đủ kinh phí để mua sách, nhà trường luôn cố gắng tìm cách, vận động từ các nguồn hỗ trợ. Trong trường hợp không đủ thì trường sẽ có thể sắp xếp cho 2 em học sinh dùng chung 1 bộ sách.

“Hiện nay, việc xin SGK cũng rất bất cập, bởi mỗi trường lại dạy theo một chương trình học khác nhau. Vì vậy, tôi mong muốn các NXB cân đối, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh. Nên có chính sách trợ giá cho những vùng kinh tế khó khăn”, thầy Hiệp cho biết.

Cùng trao đổi về việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, việc tăng giá SGK hiện nay trong tình hình nền kinh tế dần phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, các NXB và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

“Không thể tự ý nâng giá SGK chỉ vì cái lợi ích của mình. Các cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, các NXB cần tham gia vào việc này để có những cơ chế chính sách phù hợp. Đối với học sinh ở bất cứ vùng nào cũng phải có cơ chế, mục tiêu rõ ràng, mới giải quyết được bài toán tổng thể”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. 

Theo công bố của NXB Giáo dục Việt Nam, nếu bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá SGK mới công bố là gần 210.000 đồng/bộ.

Tương tự, giá bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.

Với lớp 10, thì giá bộ SGK mới sẽ áp dụng từ năm học mới tăng gần gấp đôi, giá 1 bộ từ 246.000 - 301.000 đồng. Trong khi đó, giá của bộ SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.