Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sản xuất hữu cơ - Hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Minh Thu - 15:32, 07/06/2024

Những năm gần đây, xu hướng mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang dần phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tại các địa phương, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh nông sản, trồng trọt hữu cơ.

Sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan, tỉnh Quảng Bình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm dưa lưới của HTX Hưng Loan, tỉnh Quảng Bình được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông nghiệp hữu cơ - phương thức sản xuất tối ưu

Để nâng cao hiệu quả sản xuất NNHC, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

Sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề. Từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Trần Quốc Tuấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình

Điển hình như mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý tại huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây là 1 trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc.

Với 5 ha trồng đa dạng các loại rau, củ, trung bình mỗi ngày HTX thu hoạch 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của HTX đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia HTX đạt từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, HTX đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen, mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) gắn với du lịch sinh thái.

Ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhiều năm nay, HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan (HTX Hưng Loan), đứng chân trên địa bàn xã Quảng Hưng được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất NNHC. Với 8 ha đất, HTX đã sử dụng 4 ha để trồng cây ăn quả và rau màu các loại, trong đó có 3 nhà màng với diện tích hơn 3.000 m2 dùng để trồng dưa lưới, các loại rau, hoa theo chuẩn VietGAP.

“So với sản xuất truyền thống, việc canh tác theo những quy trình nghiêm ngặt trong nhà màng đã tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Do đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích… Chỉ tính riêng trong hệ thống nhà màng, mỗi năm, HTX thu về trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, ông Võ Trung Tuấn - Giám đốc HTX Hưng Loan chia sẻ.

Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu thế tất yếu.
Nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu thế tất yếu.

Hiện nay, NNHC được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Để lan tỏa các mô hình sản xuất sạch, an toàn, ngành Nông nghiệp đang thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng tầm giá trị nông sản

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình: Sản xuất NNHC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề. Từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là các sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và thậm chí xuất khẩu, nâng tầm giá trị và giải được “bài toán” đầu ra cho nông sản hiện nay.

Hay như ở tỉnh Vĩnh Phúc, để tiếp thêm động lực, tạo sức lan tỏa trong sản xuất NNHC, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai đề án “Phát triển NNHC và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025”. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn; mô hình hữu cơ trên cây ba kích với và liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trên diện tích 4 ha tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho Hạ đen tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên. Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành tại các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương…

Mô hình trồng thanh long đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mô hình trồng thanh long đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Riêng năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ dành hơn 47 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,4 tỷ đồng để xây dựng các mô hình điểm và hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, lựa chọn cơ sở sản xuất tham gia mô hình là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư, điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, có khả năng tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC.

Cùng với Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh… cũng đã và đang không ngừng nhân rộng nhiều mô hình NNHC hiệu quả, góp phần thiết thực trong nhân rộng và lan tỏa sản xuất NNHC, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Có thể thấy, chất lượng sống và mức sống được nâng cao đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm NNHC ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm đón nhận. Xu hướng phát triển NNHC được Nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”. Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để NNHC của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.








Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.