Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sắp diễn ra Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024

Thanh Nguyên - 07:55, 03/07/2024

Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/7, tại Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đình Trà Cổ và các khu vực phụ cận thuộc Khu du lịch Trà Cổ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Nghi lễ rước thần ngoài trời ở Lễ hội đình Trà Cổ.
Nghi lễ rước thần ngoài trời ở Lễ hội đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ được lưu truyền qua hàng trăm năm lịch sử, đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; là di tích có giá trị đặc sắc trong không gian văn hóa vùng châu thổ Bắc bộ nói chung, vùng duyên hải Đông Bắc nói riêng; là di sản văn hóa ở vùng biên viễn, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc với nét kiến trúc nghệ thuật đình làng điển hình, mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt Nam; đồng thời là nơi ghi dấu những cống hiến lớn lao của các thế hệ cha ông trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức theo 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm nhiều hoạt động như: Lễ Mộc dục; Lễ rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; tiễn Ông Voi ra đình chầu; Lễ Thỉnh sinh; Khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ tiến sinh; Lễ an vị; Lễ chuyển Ông Voi về nhà; Lễ đóng cây cai đám; dâng lễ của Nhân dân và du khách; rước cỗ chay, cỗ mặn của ông "đám" cũ; Lễ cất cây cai đám; gọi danh sách ông đám mới. Lễ rước và tế cỗ của cai đám mới, Lễ tống thần (tống đăng)…

Phần hội có các hoạt động: Chấm thi Ông Voi, các trò chơi dân gian (thi đan lưới, kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố…), các trò diễn xướng…

Nghi lễ rước
Nghi lễ rước "Ông Voi" trong Lễ hội đình Trà Cổ

Đặc biệt, nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là Lễ rước “Ông Voi” (những chú lợn đực được các “cai đám” chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, được coi như con vật của thần, được gọi là “Ông Voi”). Nghi lễ này được duy trì thường niên. Cùng với đó là tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc mơ ước về một cuộc sống no ấm, đủ đầy, làm ăn thuận lợi của người dân Trà Cổ, đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nghi lễ lâu đời nơi địa đầu Tổ quốc nhằm tưởng nhớ đến những vị tiền nhân khai đất lập làng… Đây cũng là phần được người dân quan tâm nhất trong Lễ hội đình Trà Cổ.

Lễ hội đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc, thể hiện khá rõ nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, đoàn kết, tương thân tương ái.

Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của người Trà Cổ trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, bản sắc, xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu mạnh.

Đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị của di tích và Lễ hội đình Trà Cổ nói riêng cũng như các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Thăm làng Nghiến trên cao nguyên đá Hà Giang

Thăm làng Nghiến trên cao nguyên đá Hà Giang

Đi dọc theo phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, sâu vào phía chân núi đá, du khách sẽ đến làng Nghiến và có dịp ngắm nhìn những nếp nhà nhỏ yên bình, cổ kính, thơ mộng. Làng Nghiến nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn với hơn 30 hộ đồng bào Mông, Tày sinh sống. Du khách đến đây vô cùng thích thú bởi không gian sống, sinh hoạt hết sức bình dị, đơn sơ, mộc mạc như chính những người dân thuần hậu ở vùng cao nguyên đá.