Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79: Lúng túng trong phát triển sinh kế bền vững (Bài 2)

Thúy Hồng - 17:37, 14/01/2021

Việc thực hiện Đề án 79 đã cơ bản sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào nơi đây. Nhưng cuối giai đoạn nước rút thực hiện đề án, việc ổn định cuộc sống của các hộ dân tại nhiều bản tái định cư vẫn bộn bề khó khăn; đặc biệt khi triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân .

Do sinh kế chưa ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo ở các bản tái định cư còn cao
Do sinh kế chưa ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo ở các bản tái định cư còn cao

Người dân còn thiếu đất sản xuất

Thực hiện Đề án 79, năm 2017, bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé có 41 hộ dân tái định cư (TĐC) được cấp đất ở và đất sản xuất. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở bản TĐC này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Vàng A Mai, 44 tuổi cho biết: Năm 2017 khi có Đề án 79, vợ chồng anh được vận động về định cư ở Nậm Là 2. Người dân phấn khởi lắm. Chính quyền giao đất để làm nhà, đất để sản xuất rồi hướng dẫn trồng cây keo. Nhưng do đất dốc, bạc màu, nên năng suất thấp, đời sống vẫn còn khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Theo tiêu chí Ðề án 79 đề ra, mỗi hộ được hỗ trợ tối thiểu 2ha, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do thiếu quỹ đất. Trong đó, các bản Mường Toong 6, xã Mường Toong thiếu 6,3ha; bản Hua Sin 1, 2, xã Chung Chải thiếu 73,3ha; Nậm Là 2, xã Mường Nhé thiếu khoảng 20ha…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Ðề án 79 phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, việc vận động người dân đến các điểm bản chưa đạt yêu cầu đề ra, do một số hộ khi được phê duyệt danh sách và di chuyển đến nơi ở mới lại thay đổi quyết định, quay về nơi ở cũ, hoặc bỏ đi nơi khác (do thiếu đất sản xuất hoặc đất bạc màu nên người dân không nhận).

Ðồng thời, số hộ phát sinh do tách hộ hàng năm trên địa bàn lớn, đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, khi thực hiện phương án nhiều bản phải điều chỉnh bổ sung, như: Nậm Kè 2; Mường Toong 4, 5, 6…

Lý giải về những khó khăn này, ông Thào A Dế, quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Một số điểm bản thiếu đất sản xuất do diện tích đất thực tế ít hơn so với phương án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, do một số hộ mới tách ra tại các điểm bản tái định cư, Đề án chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Một số công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống Nhân dân chưa được bố trí vốn thực hiện,như điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản, một số công trình nhà lớp học… ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án.

Sinh kế chưa ổn định

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định, nhiệm vụ tiên quyết là, triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt nên năng suất chất lượng đạt thấp.

Điển hình như, tại xã Chung Chải, mặc dù các hộ dân đã được cấp đất, được hỗ trợ tư liệu sản xuất, tập huấn về khoa học kỹ thuật, giới thiệu các mô hình kinh tế mới để phát triển sản xuất nhưng người dân vẫn chưa có sinh kế ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo ở các bản tái định cư vẫn còn rất cao.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có đầu ra ổn định.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có đầu ra ổn định.

Theo ông Lỳ Đồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải, nguyên nhân do nhận thức chưa cao, bà con chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất, nên năng suất chất lượng thấp, sinh kế thiếu ổn định, đời sống gặp khó khăn, thiếu thốn.

Bên cạnh đó, hiện nay người dân tại các bản mới chỉ được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng chưa có đầu ra ổn định, các sản phẩm nông nghiệp giá cả bấp bênh. Cụ thể là, sản phẩm sa nhân tím là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân, nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc ảnh hưởng tới thu nhập của bà con.

Do sinh kế chưa ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé vẫn còn rất cao. Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Mường Nhé, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 79, mục tiêu của Đề án là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 75% xuống còn 55,09% vào năm 2020. Tuy nhiên sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án không đạt mục tiêu đề ra. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn chiếm 60%.

Có thể nhận thấy, thực hiện Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần thay đổi cuộc sống của rất nhiều hộ dân huyện biên giới Mường Nhé. Tuy nhiên, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, từng bước thay đổi căn bản những tập quán lạc hậu, giúp người dân có sinh kế, ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo thì rất cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, cũng như từ chính ý chí vươn lên của đồng bào, thì mới có thể giúp đồng bào “an cư lạc nghiệp” trên vùng đất mới.


Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.