Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sóc Trăng: Nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

N.Tâm – H.Diễm - 07:16, 18/11/2022

Những năm qua, bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là một trong những vấn đề được Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Với các giải pháp đã và đang thực hiện, được sự tiếp sức từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, hy vọng công tác bình đẳng giới ở Sóc Trăng sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong tương lai gần.

Bình đẳng giới ngày càng được các cấp hội phụ nữ Sóc Trăng quan tâm thực hiện (Trong ảnh: Hỗ trợ đào tạo nghề để chị em có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi
Bình đẳng giới ngày càng được các cấp hội phụ nữ Sóc Trăng quan tâm thực hiện (Trong ảnh: Hỗ trợ đào tạo nghề để chị em có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng có hơn 212 nghìn hội viên (trong đó, có hơn 32% hội viên người DTTS). Thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ và nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng”, nhất là ở những vùng có đông đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, để tạo sự chuyển biến trong thực hiện bình đẳng giới, hàng năm, Hội đều có kế hoạch cụ thể, thực hiện có hiệu quả các đề án về thực hiện bình đẳng giới. Theo đó, ở mỗi cơ sở Hội sẽ lựa chọn vấn đề bức xúc ở địa phương có liên quan đến 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo...

Hội cũng vận động, hỗ trợ để các chị em không sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm; can thiệp và giúp đỡ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại xảy ra trên địa bàn.

Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, tín dụng đen, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Đơn cử như chị Lý Thị Thu Hiền ở Khóm 1, phường 10, TP. Sóc Trăng đã được các hội viên giúp đỡ, hỗ trợ tự tin phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên khá giả, chị còn cùng chị em phụ nữ trong phường tham gia các hoạt động xã hội.

Còn chị Trần Thị Ngọc Hương, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên đã có nguồn thu nhập ổn định, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ về tinh thần vượt khó vươn lên, chị đã truyền năng lượng tích cực để phụ nữ trong Chi hội noi theo bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả thực tế.

“Vì phụ nữ dân tộc với nhau, tôi hiểu tâm lý và hoàn cảnh của mỗi người nên vận động chị em rất dễ, ban đầu mình chia sẻ những việc làm thực tế để chị em thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn lạc hậu; và cái chính là phải tự mình vươn lên, không trông chờ và phụ thuộc vào một ai kể cả dù đó là chồng, con. Rồi tôi mang tài liệu về bình đẳng giới của Hội Phụ nữ cho chị em đọc, và hướng dẫn kỹ thuật, thủ tục để tiếp cận vốn vay và tự lực phát triển kinh tế gia đình…”, chị Hương chia sẻ.

Phụ nữ Vĩnh Châu cùng nhau trồng đặc sản hành tím cho thu nhập cao
Phụ nữ Vĩnh Châu cùng nhau trồng đặc sản hành tím cho thu nhập cao

Để nhiều chị em vùng DTTS có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, Hội phối hợp xây dựng, phát sóng chuyên mục phóng sự truyền thông bằng tiếng Khmer; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho hàng trăm đại biểu là đồng bào DTTS, Người có uy tín trong đồng bào DTTS, cán bộ làm công tác tuyên truyền bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS…

Thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới, chị em đã nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Cùng với đó, Hội đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, tư vấn hôn nhân gia đình cho các chị em DTTS.

Hiện, Sóc Trăng có gần 4 nghìn tổ, nhóm, câu lạc bộ, thu hút gần 69 nghìn chị em phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt và các chị luôn làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào lĩnh vực kinh tế, chính trị, qua đó, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Đến nay, phụ nữ vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng ngày càng khẳng định được bản thân và ý thức hơn trong thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội, phong trào của địa phương. Hiện nay, phụ nữ không những dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống, mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội.

Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh DTTS tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ DTTS được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào DTTS đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao, vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết: Những năm qua, Hội đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS và triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, nhất là phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. 

Hội cũng cho ra mắt và duy trì các mô hình liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em..., tìm kiếm, xây dựng nguồn cán bộ nữ tiềm năng và tham mưu công tác bình đẳng giới cho chính quyền địa phương.

Trong thời gian tới, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ cho hoạt động, mô hình bình đẳng giới, Hội sẽ tiếp tục tham mưu, ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện để chị em trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội của địa phương. 

Với nhiều giải pháp, cách làm linh hoạt của các địa phương ở Sóc Trăng, sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra định hướng nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.