Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang): Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Việt Hà - 07:11, 25/12/2023

Thời gian qua, huyện Sơn Dương luôn chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều dự án đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường tỉnh, các tuyến đường mới được mở đã tạo tiền đề cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Công trình xây dựng cầu Đồng Chùa với mức đầu từ 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia.
Công trình xây dựng cầu Đồng Chùa với mức đầu từ 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đầu tư hạ tầng thiết yếu

Huyện Sơn Dương có 25/31 xã, thị trấn được thụ hưởng các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi (Chương trình MTQG 1719). Thời gian qua, các dự án thành phần thuộc Chương trình được xem như một “trợ lực” quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống vật chất và tinh thần ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Năm 2023, xã Hợp Hòa xây dựng được 4 cây cầu dân sinh từ nguồn vốn Chương trình TQG 1719 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa. Trong đó, công trình cầu thôn Đồng Chùa, xã Hợp Hòa có trị giá đầu tư 1,1 tỷ đồng. Để hoàn thành tiến độ thi công, đưa vào sử dụng, hàng chục công nhân đã lao động vất vả, không quản thời tiết khắc nghiệt trong suốt 1 thời gian dài.

Anh Ngô Văn Điệp, công nhân xây dựng cây cầu bày tỏ: “Theo sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo công ty, chúng tôi luôn cố gắng để khắc phục trở ngại về thời tiết, dồn sức thi công công trình đảm bảo đúng yêu cầu đề ra”.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết: xây dựng cầu Đồng Chùa là 1 trong 14 công trình theo Dự án 4 “Đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và đơn vị sự nghiệp công lập” giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Chương trình MTQG 1719. Đồng bào dân tộc thiểu số của các thôn Đồng Chùa, Đồng Báo, Thanh Sơn đã hiến trên 2.000 m2 đất để xây dựng 3 công trình. Khi các công trình được triển khai, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số của xã sẽ nâng cao hơn một bước.

Còn tại xã Bình Yên, công trình cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi thôn Đồng Min, có trị giá đầu tư gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 cũng đã hoàn thiện. Công trình có 2 hạng mục kè thân đập và nạo vét lòng hồ. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp phục vụ tưới tiêu cho trên 20 ha đất nông nghiệp; phục vụ phát triển du lịch.

Trước đó, trong tháng 4.2023, công trình đường giao thông thôn Tân Yên, xã Bình Yên dài 307 m gồm 2 tuyến đường cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trị giá 500 triệu đồng. Đây là những công trình đầu tiên được xây dựng trên địa bàn xã từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. 

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết: từ năm 2020, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi chủ động phối hợp, đề xuất những nội dung, nhiệm vụ giải pháp; trong đó xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nội dung các dự án, tiểu dự án và dự kiến nhu cầu nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình.

Năm 2022, tổng nguồn vốn được giao gần 59 tỷ đồng; năm 2023 nguồn vốn được giao gần 98 tỷ đồng. Công tác lập, thẩm định, phân bổ nguồn vốn đã được các cơ quan giao nhiệm vụ tập trung triển khai, tuân thủ nghiêm túc tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn; tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn nhất, vào những nội dung cấp thiết nhất.

Những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên ngày càng nhiều, chất lượng cuộc sống của người dân Sơn Dương ngày càng được nâng cao.
Những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên ngày càng nhiều, chất lượng cuộc sống của người dân Sơn Dương ngày càng được nâng cao.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện như nguồn lực năm 2022 giải ngân chậm, việc điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn cũng chậm, dẫn đến việc triển khai tổ chức thực hiện các công trình, dự án bị chậm. Việc rà soát xác định danh mục, nhu cầu vốn của một số công trình ở địa phương còn chưa sát với thực tế, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện còn phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến làm chậm tiến độ lập hồ sơ, thủ tục và giải ngân nguồn vốn. Cho đến nay, vẫn còn Tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 chưa đủ văn bản hướng dẫn từ cấp trên để triển khai thực hiện. 

Để khắc phục những khó khăn, bất cấp nếu trên, huyện Sơn Dương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi. Trên cơ sở đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì dự án, các tiểu dự án chủ động thực hiện các nhiệm vụ đã được giao báo cáo, đánh giá tiến độ theo quy định; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và huy động tối đa các nguồn lực, sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân...

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.