Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Soọng cô - một thứ “men” của đồng bào Sán Dìu: Mở rộng đất sống cho Soọng cô (Bài 4)

Văn Hoa - 08:46, 01/08/2022

Nhằm “cứu nguy” cho tiếng hát Soọng cô, thế hệ những người lớn tuổi bằng nhiều việc làm cụ thể đã nỗ lực gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước xu hướng phát triển, hội nhập của quê hương, đất nước, không gian diễn xướng Soọng cô dần thu hẹp. Để duy trì, bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa dân gian này, các nghệ nhân, những người yêu Soọng cô đã linh hoạt trong không gian diễn xướng, khuyến khích lớp trẻ thể hiện trong những sự kiện, như trong lễ cưới, lễ hội, thể hiện trên sân khấu…

Tiếng hát Soọng cô vẫn ngân vang dù trời mưa có nặng hạt
Đội mưa để hát Soọng cô

Say sưa câu hát Soọng cô

Có dịp được Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô thôn Mỹ Khê (xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) mời tham dự Lễ kỉ niệm sau 5 năm thành lập, chúng tôi đã cảm nhận được tình yêu Soọng cô đối với mỗi thành viên CLB lớn đến nhường nào, và hơn hết là thấy được sự linh hoạt trong không gian diễn xướng Soọng cô.

Một ngày trước khi diễn ra Lễ chính thức, ngay từ sáng, các thành viên CLB đã xúng xính bộ quần áo truyền thống tập trung tại nhà văn hóa thôn. Trời mưa phùn, đôi lúc nặng hạt, CLB vẫn quyết định triển khai hát Soọng cô theo đúng kế hoạch. Mở đầu họ hát tại nhà văn hóa thôn với những bài hát dạo đầu, mừng gặp nhau, mừng Đảng, mừng Bác… Tiếp đó, họ đi thành hàng di chuyển lên đình của thôn cầu cho Lễ kỉ niệm được thành công; sau đó ra bờ hồ đầu làng để hát, cả hành trình họ vừa đi vừa say sưa hát với nhiều nội dung khác nhau...

Buổi chiều ngày hôm đó, cả CLB tập trung gói bánh chưng gù, một loại bánh đặc sản người Sán Dìu. Các thành viên chia nhau rửa lá dong, lá chít, gói bánh và luộc, cả một buổi chiều tất bật nhưng họ đã dùng tiếng hát Soọng cô để tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp, quên đi mệt nhọc…

Ngày lễ chính, nhiều CLB trong tỉnh và các tỉnh khác đều đến dự, trong đó, có những cụ đã ngoài 80 tuổi, đi hàng trăm cây số đến để giao lưu. Sau nghi thức chào cờ, hát quốc ca, các CLB hát giao lưu, với nội dung chúc mừng 5 năm ngày thành lập của CLB Soọng cô thôn Mỹ Khê, mỗi một CLB đến giao lưu hát ít nhất một tiết mục tại sân khấu, cứ thế họ say sưa hát quá trưa, vừa ăn trưa họ vẫn chia nhau lên hát, hát cả trưa, cả chiều và bịn rịn hát chia tay, hát hẹn ngày trở lại để hát tiếp những bài Soọng cô còn dang dở.

Điều đặc biệt ở buổi lễ là mỗi CLB đều có các hội viên nhỏ tuổi tham gia biểu diễn trên sân khấu. Mặc dù chỉ hát được những bài hát đơn giản, nhưng chất chứa trong mỗi người là niềm hi vọng lớn lao, đây sẽ là thế hệ kế cận, gìn giữ và phát huy tiếng hát Soọng cô.

Các bạn nhỏ biểu diễn Soọng cô nhân dịp kỉ niệm 10 năm thánh lập CLB Soọng cô xã Sơn Nam (Tuyên Quang). Ảnh Thái Sinh Trần
Các bạn nhỏ biểu diễn Soọng cô nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập CLB Soọng cô xã Sơn Nam (Tuyên Quang). Ảnh Thái Sinh Trần

Theo thống kê, tại các tỉnh có người Sán Dìu sinh sống hiện có hơn 70 CLB Soọng cô, CLB thành lập muộn nhất cũng trên 5 năm và hầu hết các dịp kỉ niệm ngày thành lập đều tổ chức rất bài bản giống như CLB Soọng cô thôn Mỹ Khê, không gian diễn xướng được tổ chức rất linh hoạt.

Có thể thấy, vì tiếng hát Soọng cô, người Sán Dìu đã tìm tới nhau, họ không còn hát thâu đêm suốt sáng, hát từ ngày này sang ngày khác nữa, thay vào đó gói gọn trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Không gian diễn xướng cũng linh hoạt ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.

Từ những người xa lạ, vì tiếng hát Soọng cô mà gắn kết người Sán Dìu với nhau
Tiếng hát Soọng cô đã gắn kết người Sán Dìu với nhau

Linh hoạt không gian diễn xướng

Nếu như trước kia, Soọng cô được hát thường xuyên, hằng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, mọi ngữ cảnh, hát vui trong gia đình, hát trong lúc lao động sản xuất… Thì nay, đại đa số người Sán Dìu ít khi sử dụng tiếng Sán Dìu trong giao tiếp hằng ngày, Soọng cô cũng vậy, cũng chẳng mấy ai hát. Một số ông, bà, những người lớn tuổi đôi khi cũng tự hát Soọng cô, nhưng số lượng không nhiều.

Thay vì hát hằng ngày, họ tìm đến nhau, sinh hoạt trong các CLB, ôn lại những kí ức một thời về những cuộc đi chơi (hị leo son) để hát Soọng cô. Họ tổ chức đi giao lưu giữa CLB này với CLB khác trong tỉnh, giữa tỉnh này với tỉnh kia. Không gian hát cũng linh hoạt, có thể hát tại một nhà nào đó, trong nhà văn hóa thôn hoặc một khu du lịch.

Nhận thấy tầm quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, trong đó có Soọng cô, những năm qua, nhiều địa phương đã đưa tiếng hát Soọng cô lên sân khấu trong các ngày lễ lớn của địa phương. Từ đó, tiếng hát Soọng cô được nhiều người biết đến hơn, người Sán Dìu cũng vì đó mà thêm tự hào về Soọng cô của dân tộc mình.

Một số nghệ nhân, CLB Soọng cô đã đưa tiếng hát Soọng cô biểu diễn tại các điểm du lịch, thu hút sự quan tâm, yêu mến của đông đảo du khách. Như CLB Soọng cô Trung Mầu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã nhiều lần được Khu du lịch Flamingo Đại Lải mời biểu diễn tại khu du lịch.

Đặc biệt, tận dụng không gian mạng, những cuộc hát Soọng cô được người Sán Dìu phát trực tiếp trên Facebook, được quay video đăng lên các kênh YouTube, Zalo…Nhờ đó, tiếng hát Soọng cô tiếp cận được nhiều người hơn, không chỉ trong cộng đồng người Sán Dìu mà cả dân tộc khác, quốc gia khác.

Thế hệ những người lớn tuổi đang giữ vai trò chủ đạo trong bảo tồn tiếng hát Soọng cô (Ảnh Thái Sinh Trần)
Thế hệ những người lớn tuổi đang giữ vai trò chủ đạo trong bảo tồn tiếng hát Soọng cô (Ảnh Thái Sinh Trần)

Có thể thấy, bằng tình yêu và trách nhiệm gìn giữ tiếng hát Soọng cô, các thế hệ người Sán Dìu, trong đó những người lớn tuổi giữ vai trò chủ đạo đã nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau, linh hoạt không gian diễn xướng để tiếng hát Soọng cô được vang xa hơn.

Cũng từ tình yêu và lòng nhiệt huyết đó đã lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc đến thế hệ trẻ, trao truyền trách nhiệm cho họ để tiếp tục giữ gìn tài sản quý giá của cha ông.