Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sự biến đổi của tượng gỗ Tây Nguyên

Hồ Xuân Toản - 16:19, 07/02/2023

Tượng gỗ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của các DTTS vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, người Ba Na, Gia Rai nói riêng, biểu đạt ý niệm sâu sắc về nhân sinh quan dưới nhiều cấp độ khác nhau ở xã hội truyền thống cũng như trong giai đoạn hiện nay.

Tượng gỗ mới được chế tác của người Gia Rai làng Kép, Tp. Pleiku
Tượng gỗ mới được chế tác của người Gia Rai làng Kép, Tp. Pleiku

Trên cơ sở ý niệm chung, ứng với mỗi thời kỳ, tượng gỗ mang một sắc thái, phong cách và biểu trưng cho mỗi giai đoạn khác nhau nhằm biểu đạt tâm tư, tình cảm và nhận thức của con người với con người, cộng đồng và thế giới siêu nhiên.

Sự đan xen hài hòa giữa hiện thực và hư ảo, sự mộc mạc và tinh tế, kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, không gian và thời gian… tất cả được phản ánh qua những “rừng tượng” điêu khắc phong phú và đa dạng, phản ánh trong hiện thực cuộc sống.

Ở xã hội hiện đại, sự biến đổi là tất yếu và được thể hiện dưới nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, về không gian, thời gian và những nghi thức liên quan trong việc tạo ra tượng gỗ. Đa phần tượng gỗ (chủ yếu là tượng nhà mồ, hay gọi là tượng mồ) được tạo ra trong những không gian thiêng và gắn liền với những hoạt động tâm linh, đó là Lễ bỏ mả - một lễ hội đặc trưng trong hệ thống lễ hội của người Ba Na, Gia Rai.

Tượng gỗ và các chi tiết điêu khắc trong ngôi nhà mồ được làm ra để phục vụ cho Lễ bỏ mả. Với quan niệm, chết là một sự chia lìa với người sống nhưng không phải là hết nên tượng mồ người Ba Na, Gia Rai biểu hiện một cách sinh động, tái hiện lại toàn bộ sự sống để cùng với người chết về với thế giới mới, để người chết cảm nhận được cuộc sống ở thế giới mới.

Tượng gỗ trên nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)
Tượng gỗ trên nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Xuân Toản)

Trước đây, “mùa ning nơng” hay “mùa ăn năm uống tháng” là mùa nhàn rỗi, hoạt động lễ hội thường diễn ra rất dài với nhiều lễ hội, trong đó Lễ bỏ mả diễn ra cả tuần, có khi kéo dài cả tháng. Hoạt động đục đẽo tượng gỗ cũng gắn liền với các nghi thức nghiêm ngặt. Trong khi đó, ngày nay, cuộc sống đã có những biến đổi, với sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thời gian đồng bào tham gia lễ hội cũng giảm đi bởi mùa lễ hội trùng với khoảng thời gian dành cho việc chăm bón, tưới tiêu…

Vì vậy, thời gian và không gian tạo ra tượng gỗ có sự biến đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, việc làm tượng có thể diễn ra trong thời gian dài ở trong không gian gắn liền với những nghi thức tâm linh nghiêm ngặt, thì nay việc làm tượng gỗ có thể diễn ra ở nhiều nơi, thời gian ngắn hơn, không gian tạo tác cũng tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình và ít gắn liền với các nghi thức truyền thống hơn.

ượng gỗ dân gian Tây Nguyên được dùng trang trí, giới thiệu với du khách tại Khu du lịch Ko Tam. Ảnh: Hữu Hùng
Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được dùng trang trí, giới thiệu với du khách tại Khu du lịch Ko Tam. Ảnh: Hữu Hùng

Không gian tạo tác tượng gỗ biến đổi kéo theo sự biến đổi không gian tồn tại của tượng gỗ. Trong truyền thống, điêu khắc gỗ nói chung, tượng gỗ nói riêng phần lớn tập trung tại khu vực mộ địa, một số ít được trang trí trong nhà rông, nhà sàn chỉ mang tính chất trang trí điểm xuyết. Nhưng ngày nay, với các mục đích, chức năng khác nhau, tượng gỗ hiện diện trong nhiều không gian như: Nhà mồ, nhà rông, bảo tàng, các nhà sưu tập, nhà hàng, quán cà phê, công viên… Sự có mặt của tượng gỗ trong những “môi trường mới” là những biểu hiện sự tiếp biến về vai trò, chức năng của tượng gỗ trong xã hội hiện đại.

Chúng ta biết rằng, không gian tồn tại của tượng gỗ gắn liền với rừng. Rừng vừa là không gian thiêng gắn liền với các nghi lễ của cộng đồng, vừa là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chính để làm ra tượng gỗ. Sự biến đổi của rừng trong những năm gần đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi tượng gỗ, trong đó nguồn nguyên liệu là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Nếu như trước đây, nguyên vật liệu để tạo ra tượng gỗ vô cùng phong phú với nhiều loại gỗ tốt nhưng dễ đục đẽo và ít bị nứt nẻ, thì ngày nay tượng chủ yếu được đẽo bằng các loại gỗ nhóm V, VI như: Bạch đàn, dầu rái, sồi… vì thế chất lượng cũng như độ bền của tượng không được tốt như thời xưa.

ượng gỗ nhà mồ của người Ba Na
Tượng gỗ nhà mồ của người Ba Na

Sự biến động xã hội qua các thời kỳ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, lực lượng nghệ nhân ngày càng khan hiếm, giảm dần về số lượng cũng như “tay nghề”, môi trường tạo ra tượng gỗ ngày càng ít mang tính bản sắc. Trong xã hội truyền thống, nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng được duy trì, việc làm tượng vừa thể hiện tính tâm linh, sự phong phú trong đời sống tinh thần, vừa thể hiện được tài nghệ của nghệ nhân. Còn hiện nay, với sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa mới, một số phong tục, tập quán của các dân tộc ở Tây Nguyên dần bị mai một. Lớp trẻ trong xã hội hiện đại cũng ít quan tâm đến văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân tạc tượng gỗ
Nghệ nhân tạc tượng gỗ

Biến đổi dễ nhận thấy nhất là trong xã hội hiện đại, mặc dù các hình tượng, chủ đề xưa vẫn được các nghệ nhân đưa vào khi làm ra tượng gỗ, nhưng những chủ đề mới hiện hữu trong cuộc sống thực tại như: Cầu thủ đá bóng, xe gắn máy, xe ô tô, máy bay… cũng được đưa vào trong tác phẩm. Đôi lúc nghệ nhân còn sử dụng màu để tô vẽ, tạo nên sự khác biệt trong từng tượng gỗ. Tượng làm ra để “làm đẹp”, “làm vui” dần dần lấn át cái “truyền thống” vốn dĩ định hình từ lâu đời và gắn liền với bản sắc của cộng đồng.

Một nhà hàng tại Tp. Pleiku, Gia Lai đặt tượng gỗ ở không gian ngoài trời. (Ảnh: TTH)
Một nhà hàng tại Tp. Pleiku, Gia Lai đặt tượng gỗ ở không gian ngoài trời. (Ảnh: TTH)

Trong xã hội hiện đại, sự biến đổi là tất yếu. Khi đó, vai trò văn hóa truyền thống lại càng được thể hiện rõ hơn, là cầu nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết cộng đồng dân tộc, là xuất phát điểm của quá trình phát triển. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân, toàn xã hội, đặc biệt là cần có sự tham gia của chính chủ thể văn hóa. Khi đó việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, tượng gỗ của người Ba Na, Gia Rai nói riêng mới bền chặt.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.