Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tượng gỗ trong đời sống tinh thần đồng bào DTTS Tây Nguyên

Thùy Dung - 12:22, 10/02/2022

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Gia Lai, có một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo là điêu khắc tượng gỗ dân gian. Từ lâu, loại hình nghệ thuật dung dị này đã góp phần làm nên sự phong phú cho kho tàng văn hóa tinh thần của đồng bào Tây Nguyên.

Các nghệ nhân ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đang sáng tạo, chế tác tượng gỗ
Các nghệ nhân ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đang sáng tạo, chế tác tượng gỗ

Từ bao đời nay, tượng gỗ được sáng tạo ra để phục vụ cho những sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều yếu tố tâm linh, để tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều nghệ nhân đã mang tượng gỗ vượt ra ngoài không gian buôn làng để giới thiệu, quảng bá văn hóa Tây Nguyên và tăng thêm thu nhập từ loại hình điêu khắc dân gian vô cùng độc đáo này.

Với cộng đồng DTTS Tây Nguyên nói chung và đồng bào Gia RaiBa Na ở Gia Lai nói riêng, tượng nhà mồ là một thành tố không thể tách rời đời sống tinh thần của đồng bào. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tự nhiên, từ một khúc gỗ được lấy trong rừng về, người nghệ nhân đã thổi hồn vào bên trong tượng gỗ nhằm khắc họa những buồn, vui, âu lo, những nhớ thương đời thực… Thông qua tượng gỗ, đồng bào còn  gửi gắm những mong muốn, ước vọng dành cho người đã khuất về cuộc sống yên bình ở thế giới bên kia.

Nghệ nhân Ưu tú Ksoh Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) hiện nay là bậc thầy trong nghề tạc tượng tại địa phương
Nghệ nhân Ưu tú Ksoh Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) hiện nay là bậc thầy trong nghề tạc tượng tại địa phương

Tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Nghệ nhân Ưu tú Ksor Krôh - bậc thầy trong lĩnh vực tạc tượng chia sẻ: Tượng gỗ của người Gia Rai gắn liền với nhà mồ và lễ pơ thi (bỏ mả). Thời xa xưa, người làng quan niệm rằng việc tạc tượng phải làm ở trên rừng, khi nào xong mới được mang về nhà.

“Tượng gỗ trong không gian nhà mồ đóng vai trò rất quan trọng. Tượng gỗ thường mang những sắc thái buồn, vui, âu lo, thương nhớ giống như con người. Đặt tượng gỗ ở nhà mồ là để bầu bạn với người ở cõi a tâu (chết)”, ông Ksor Krôh cho biết.

Được sự rèn rũa của ông Ksor Krôh, ông Ksor Ek (xã Ia Ka) cũng là một trong những nghệ nhân tài hoa trong lĩnh vực tạc tượng, ông Ek cho biết: Theo phong tục của người Gia Rai thì có 3 loại tượng là: Tượng nhà mồ, tượng nhà rông và tượng nhà sàn. Nếu như tượng gỗ đặt ở nhà mồ dành cho người chết thì tượng ở nhà rông, nhà sàn lại dành cho người sống. Tùy vào mong muốn và nhu cầu của người đặt hàng mà nghệ nhân sẽ tạc theo ý muốn.

“Mỗi bức tượng nếu dành nhiều thời gian làm thì cũng phải mất khoảng 3-5 ngày liên lục. Hiện nay, vì lo những công việc thường nhật khác nên nghệ nhân chỉ tranh thủ thời gian rảnh để tạc tượng. Mình học nghề này từ ông Krôh cũng nhằm gìn văn hóa truyền thống của người Gia Rai mình”, ông Ek cho biết.

Trước đây, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên quan niệm rằng tượng gỗ phải gắn liền với nhà mồ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tượng gỗ đã được đưa vào cuộc sống. Nhiều nhà hàng, quán ăn mang âm điệu Tây Nguyên đều sử dụng tượng gỗ để trang trí, thông qua đó giới thiệu và quảng bá tới du khách gần xa về một nét văn hóa của người Gia Rai, Ba Na.

Nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa, TP.Pleiku) trong khuôn viên quán ẩm thực Tây Nguyên.
Nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa, TP.Pleiku) trong khuôn viên quán ẩm thực Tây Nguyên.

Ông Ksor Hnao ở làng Kép (phường Đống Đa, thành phố Pleiku) là một người nổi tiếng khắp vùng khi vừa thành thạo đánh, chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ và làm nhạc cụ dân gian. Tận dụng những lợi thế, năm 2016 ông mở quán ẩm thực Tây Nguyên gắn với tên mình và xây dựng một không gian văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ trong quán với cây nêu, nhà sàn và tượng gỗ. Nghệ nhân Ksor Hnao chia sẻ: “Việc mang tượng nhà mồ ra khỏi cộng đồng làng nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu văn hóa Tây Nguyên và giữ chân du khách khi đến với phố núi Pleiku. Nhờ vậy, tượng gỗ của người Ba Na, Gia Rai đã được nhiều người biết đến và đặt làm, chúng tôi cũng từ đó mà có thêm thu nhập.

Nhờ sự tài hoa, giỏi chế tác các nghệ nhân như ông Ksor Hnao, Ksor Krôh đã đưa tượng gỗ vượt ra khỏi khuôn khổ nhà mồ, đến các quán ăn, vươn ra làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngược vào TP Hồ Chí Minh trưng bày, triển lãm tại Hội chợ quốc tế Lifestyle Việt Nam (năm 2019)..

Thạc sĩ (Ths) Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, người đã dày công nghiên cứu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho biết: Những nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những bức tượng gỗ, họ đã truyền tải vào đó rất nhiều ý nghĩa về giá trị tinh thần và giá trị tâm thức, giá trị tâm linh, làm đẹp, làm tươi mới không gian văn hóa của cộng đồng.

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo, các nghệ nhân đã tạo ra những bức tượng gỗ có hồn
Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo, các nghệ nhân đã tạo ra những bức tượng gỗ có hồn

“Theo tôi, muốn tượng gỗ tồn tại trong đời sống đương đại trước tiên ta phải giữ gìn, xây dựng được lực lượng nghệ nhân dân gian nòng cốt. Họ chính là những người nghệ sĩ, báu vật nhân văn sống của dân làng, là người truyền nghề cho lớp lớp thế hệ trẻ. Vậy nên, chính quyền phải hết sức quan tâm để xây dựng những lớp kế cận để giữ nghề”, Ths. Hoàng Thanh Hương chia sẻ thêm.

Cũng theo Ths. Hoàng Thanh Hương, di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại với rất nhiều lý do khách quan và chủ quan thì đang dần bị mai một. Vì vậy, cần có sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan để đưa di sản văn hóa ra không gian sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn thay vì để nó nằm im trong không gian truyền thống của buôn làng. Có như vậy, văn hóa dân tộc mới được lưu giữ và phát huy”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.