Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Sức bật” Bản Giàng

Phạm Thúy - 09:23, 18/07/2023

Gần 15 năm qua kể từ ngày người Mông ở các thôn Pờ Xì Ngài, Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát (Lào Cai) di chuyển về vùng đất Bản Giàng xa xôi khai hoang, định cư, lập nghiệp, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào nơi đây phát huy nội lực, nỗ lực vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống mới ấm no.

Giống lê VH6 mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân bản Giàng.
Giống lê VH6 mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân bản Giàng

Bản Giàng vốn được biết đến là thôn xa nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước kia, khi nhắc đến cái tên Bản Giàng mọi người thường e ngại, chùn bước cũng bởi nó xa xôi, đường giao thông khó khăn, hiểm trở. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giờ đây đường vào Bản Giàng đang được mở rộng, đơn vị thi công đường dây điện đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đóng điện phục vụ người dân.

Vượt qua những con dốc đá lởm chởm, sau gần một tiếng ngồi trên xe máy, chúng tôi đặt chân đến Bản Giàng. Điều đầu tiên tạo ấn tượng với chúng tôi đó là một màu xanh trù phú, là những mái nhà ẩn hiện sau những thửa ruộng bậc thang, bên cạnh những nương ngô xanh mướt đang kỳ trổ cờ, phun râu.

Anh Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Giàng cho biết: Thôn Bản Giàng hiện có 58 hộ dân với trên 280 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông. Đồng bào có truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cần cù, chăm chỉ, chịu khó lao động sản xuất nên cuộc sống có nhiều đổi thay.

Mặc dù cả thôn chưa có ngôi nhà nào của người dân được xây dựng kiên cố nhưng mỗi gia đình đều có trên dưới hai chục con gà, con vịt, trong chuồng có vài ba con lợn...; ban ngày thường chỉ có người già ở nhà còn trẻ nhỏ thì đến trường học tập, bố mẹ chúng thì lên nương trồng, cấy. Nhờ chăm chỉ như vậy nên nhà nào cũng có đủ thóc, gạo để ăn và để dành được cả sang năm sau nữa.

Đưa chúng tôi đi thực tế, trò chuyện, anh Sáng phấn khởi khoe: Đường bê tông của thôn đang được thi công rồi, kể từ khi các hộ dân chuyển về đây sinh sống năm 2009, được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, đời sống của bà con được bảo đảm. Tuy nhiên, do đường giao thông khó khăn có muốn mang bao thóc, bao ngô, con lợn, con gà đi bán để mua sắm thêm vật dụng gia đình cũng khó. Khi người dân biết là sẽ được mở đường bê tông vào thôn thì vui mừng lắm”. Bản thân Bí thư Sáng cũng tham gia làm cùng, vừa là vai trò giám sát, vừa là động viên anh em công nhân và đạt ngày công lao động thì mang về thêm nguồn thu cho gia đình.

Một khó khăn nữa của Bản Giàng phải kể đến, đó là người dân trong thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Anh Hầu A Hử, một người dân trong thôn cho biết: Đa số người ở thôn đều sử dụng máy phát điện đặt ở mương dẫn nước, nhà anh cũng có nhưng chỉ được 2 bóng điện nhỏ để cho con học bài, do nguồn nước không ổn định nên điện thì phập phù, lúc sáng, lúc tối nhưng vẫn phải dùng vì có còn hơn không. Nên khi nhận được thông báo là chuẩn bị kéo điện lưới quốc gia đến từng nhà dân thì ai cũng mong chờ, mọi người đều đi mua thêm bóng điện, nồi cơm điện nữa, có nhà khá hơn đã chuẩn bị đủ tiền để mua ti vi rồi... ai cũng vui.

Một góc thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát
Một góc thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát

Vượt qua những vườn đào, vườn mận... chúng tôi lên tới khu vực trồng cây lê VH6 của thôn. Từ những ngày đường đi còn hiểm trở, năm 2015, xã Pa Cheo đã chủ trương đưa cây lê VH6 vào trồng tại đây. Hơn 100 gốc lê đầu tiên đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển tốt, cộng với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, bước đầu cây lê đã cho thu quả. Ngặt nỗi đường đi lại còn khó khăn, diện tích trồng còn ít, người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên sản lượng thấp và chất lượng chưa cao, chưa thể trở thành hàng hóa.

Đó cũng là cái khó chung của nông sản Bản Giàng chứ không riêng gì cây lê. Chính vì vậy việc có con đường bê tông vào tận thôn và có điện lưới quốc gia đối với người dân Bản Giàng là niềm ao ước bấy lâu và đến nay nó đang dần trở thành hiện thực khi con đường đang được đổ bê tông từng phần, trạm biến áp của điện lực đã được lắp đặt chỉ chờ ngày hoàn thành để đóng điện.

Ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã tự tin: “Với nhịp độ thi công này thì chỉ cuối năm nay, người dân sẽ có đường bê tông, có điện thắp sáng, còn sóng điện thoại di động thì xã sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đầu tư để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Tới đây xã cũng sẽ đề nghị với các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thôn”.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.