Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Sức sống mới ở các buôn làng Tây Nguyên

Phạm Nguyên - 05:00, 11/11/2023

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Ông Ka Ba Tơ (thứ 2 từ trái sang) phấn khởi khi Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trường lớp khang trang cho các xã vùng đồng bào DTTS
Ông Ka Ba Tơ (thứ 2 từ trái sang) phấn khởi khi Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trường lớp khang trang cho các xã vùng đồng bào DTTS

Nhiều chính sách dành cho Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum. Được coi là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước trong việc phát triển kinh tế -xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; vùng đất giàu tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, giữ vai trò tâm điểm của kết nối Đông - Tây.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS của cả nước, trong đó có Tây Nguyên. Cụ thể: Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010; Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 12, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020.

Đời sống đổi thay, đồng bào DTTS ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Đời sống đổi thay, đồng bào DTTS ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Ông Ka Ba Tơ, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum cho biết: Người Tây Nguyên ơn Đảng, bởi Đảng đã lãnh đạo toàn dân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nước nhà thống nhất, đồng bào mới thoát cảnh lạc hậu, đói nghèo. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Đặc biệt, Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ 2021-2025, đây được xem là động lực để Tây Nguyên tiếp tục có sự đổi thay trong thời gian tới.

Dân số của Tây nguyên gần 6 triệu người, với 54 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, DTTS khoảng 2,2 triệu người. Ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ riêng dành cho đồng bào DTTS. Những chính sách đó thực sự là “cú hích” để làm thay đổi đời sống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên.

Ông Rơ Châm Nao (dân tộc Gia Rai) ở làng Jut, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Trước đây đời sống đồng bào DTTS hết sức khó khăn, phải nói là tự cung tự cấp, từ khi có những chính sách mà Đảng, Nhà nước dành cho Tây Nguyên đã thực sự làm thay đổi rõ nét trong đời sống của đồng bào DTTS. Kết cấu hạ tầng ở vùng DTTS cũng được đầu tư và dần hoàn thiên, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Kon Tum mạnh dạn chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Kon Tum mạnh dạn chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đổi thay ở các buôn làng

Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Hạ tầng kinh tế - xã hội một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước, như: GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

“Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế, đồng bào DTTS luôn được sự quan tâm của Chi bộ, đảng viên xuống từng nhà, hướng dẫn tận tình nên bà con dần quen với các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, như: Sử dụng giống lúa mới, chăm sóc đúng kỹ thuật với năng suất vượt trội; thay thế những cây hoa màu kém năng suất bằng cây cà phê, sầu riêng có giá trị kinh tế cao… Giờ đây, bà con trong buôn đều tự tin và mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất” - ông Y Siết Êban (dân tộc Ê Đê) ở buôn Êrang, phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Đổi thay ở buôn Êrang, phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk
Đổi thay ở buôn Êrang, phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Ông Trần Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đồng bào DTTS rất vui mừng, phấn khởi trước những chính sách ưu tiên, ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Cùng với đó, đồng bào DTTS còn hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia được các địa phương tập trung triển khai thực hiện; đặc biệt, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025 đã và đang mang lại những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

Diện mạo mới ở các buôn làng đồng bào DTTS Tây Nguyên
Diện mạo mới ở các buôn làng đồng bào DTTS Tây Nguyên

Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh Kon Tum có gần 55% dân số là người đồng bào DTTS, những năm qua, bên cạnh việc triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS thì tỉnh Kon Tum còn triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau 3 năm triển khai đã có hơn 26.780 hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những thủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại, vươn lên thoát nghèo; hơn 27.855 hộ DTTS biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; có khoảng 12.435 hộ DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.

Trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, đồng bào DTTS vẫn kiên trung, mãi vững tin theo Đảng, Bác Hồ kính yêu. Với ý chí mạnh mẽ, khát vọng vươn lên, đồng bào DTTS luôn chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Tây nguyên phát triển nhanh, bền vững và góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt, ý chí, khát vọng và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.