Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Sức sống mới ở Yên Na

Vi Hợi - 05:39, 18/03/2024

Trở lại xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, tôi cảm nhận được sự khởi sắc của một vùng quê đang đổi thay từng ngày. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố mái ngói, mái tôn san sát, kinh doanh buôn bán sầm uất. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong xã không ngừng được nâng lên.

 Mô hình nuôi cá lồng bè gắn điểm dừng chân trên hồ thủy điện Bản Vẽ đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình.
Mô hình nuôi cá lồng bè gắn với điểm dừng chân trên hồ thủy điện Bản Vẽ đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình.

"Đây là kết quả đồng thuận, năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, người dân địa phương trong quá trình cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội" - Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, ông Lô Văn Tùng chia sẻ.

Theo ông Lô Văn Tùng: “Xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nên cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, trong đó tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới”.

Là địa phương có nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ đạo, Yên Na đã tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra sự chuyển dịch tích cực, nhiều loại giống cây trồng, kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, diện tích lúa trên 100ha, năng xuất bình quân đạt 56 tạ/ha; cây ngô 70ha, năng xuất ước đạt 46 tạ/ha; diện tích cây rau màu các loại gần 37ha, sản lượng đạt 258 tấn; cây lạc 4,8ha, sản lượng đạt hơn 7 tấn. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt hơn 1.065 tấn, bình quân lượng thực đầu người trên 300 kg/người.

Phát huy lợi thế đất đai rộng, Yên Na đã phát triển được nghề chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà thả vườn... đem lại hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn hiện đang duy trì và phát triển 14 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vùng hồ thủy điện. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, địa phương đã tích cực phối hợp với Phòng NNPTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện nay tổng đàn trâu bò toàn xã có 3.567 con, lợn 1.817 con, dê 662 con, gia cầm 21.550 con, sản lượng hịt hơi xuất chuồng đạt 307 tấn, vượt 3% chỉ tiêu huyện giao.

Trao đổi với chúng tôi anh Lương Văn Đông - Trưởng bản kiêm Giám đốc HTX chế biến thủy sản Bản Vẽ cho biết: “Hiện nay đàn trâu, bò của Bản Vẽ có trên 1000 con, chiếm khoảng 30% tổng đàn trâu, bò cả xã. Hiện có 14 hộ gia đình vừa chăn nuôi trâu bò, gia cầm vừa nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện. Hàng năm các hộ nuôi cá lồng bè cung ứng cho thị trường trên 31 tấn cá, riêng HTX chế biến hải sản thu mua hơn gần 10 tấn để chế biến cá giàng thương phẩm”.

Toàn dân tích cực hưởng ứng tham gia làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.
Toàn dân tích cực hưởng ứng tham gia làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Phát huy tiềm năng diện tích rừng tự nhiên trên 12.000ha, Yên Na đã đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nhằm góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phụ trợ cho phát triển kinh tế. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc của toàn xã đã đạt trên 79%. Song song với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn tích cực vận động người dân ở các thôn bản tham gia trồng rừng, tập huấn phòng cháy chữa cháy, thực hiện các quy ước bảo vệ rừng nên nhận thức người dân về tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế cũng như môi trường sinh thái đã có đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng năm 2023 đã trồng mới hơn 141ha, đưa diện tích rừng trồng toàn xã lên đến 265ha; khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc trên 11.500ha; sản lượng khai thác gỗ trồng đạt 368m3.

Bên cạnh việc tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xã đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay 100% tuyến đường giao thông liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa và trồng thêm cây xanh. Tất cả 4 trường học của xã đều được xây dựng kiên cố, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% bản đều có nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng kiên cố, đúng quy chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 25 triệu đồng/năm, 96% lao động trong độ tuổi có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội giảm xuống còn 47%... Trên địa bàn hiện không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác được kiềm chế, từng bước ngăn chặn.

Một góc sân chơi của Trường Mầm non Yên Na.
Một góc sân chơi của Trường Mầm non Yên Na.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã Yên Na đã đạt 14/19 tiêu chí, có 2 bản đã đạt 12/13 tiêu chí. Bà Lô Thị Mai - Bí thư chi bộ Bản Vẽ chia sẻ: “Quê tôi bây giờ đang đổi thay từng ngày, mỗi sáng thức dậy ngắm những con đường đẹp, những cánh rừng xanh ngát, từng đàn đàn trâu bò đủng đỉnh đi ăn, hàng trăm lồng ăm ắp cá… mà tôi cứ ngỡ như mình đang mơ. Người dân chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước thật nhiều vì đã quan tâm đưa về chương trình nông thôn mới, “thổi” về quê hương tôi một luồng gió mới ngập tràn ấm no và niềm vui!”

Về với Yên Na hôm nay, chúng ta dễ dàng cảm nhận được vùng quê này đang chuyển mình tạo ra một diện mạo mới tràn đầy sức sống với những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân nơi đây đã và đang đồng lòng xây dựng nền tảng vững chắc để xã Yên Na tự tin tạo ra thế và lực mới, vì quê hương Yên Na ngày càng văn minh, giàu đẹp.



Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.