Gắn bó với nghề trồng hoa gần 20 năm, nhưng năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ vườn hoa ở phường Long Hòa (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) đã giảm quy mô trồng lại hơn 30%. Năm vừa rồi, ông trồng 3.000 chậu hoa các loại; nhưng năm nay chỉ trồng 2.000 chậu, chủ yếu là các loại hoa bày biện theo phong tục truyền thống.
"Tôi tìm hiểu thị trường bán hoa theo các rằm lớn, theo từng tháng nên thấy lượng hoa bán ra đã giảm hơn phân nửa, nguyên nhân chủ yếu bà con làm ăn khó khăn, phần lớn tại dịch Covid-19. Qua đó, tôi đoán lượng hoa bán cho tết cũng sẽ giảm", ông Sơn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhà vườn có kinh nghiệm cho biết, thời tiết se lạnh sớm, trời dịu mát là điều kiện lý tưởng để hoa kiểng phát triển tốt. Nhưng nhà vườn sợ bán không được nên giảm số lượng.
Không chỉ làng hoa ở Cần Thơ gặp khó mà Hợp tác xã hoa, kiểng Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc ( Đồng Tháp)-nơi được mệnh danh thành phố hoa của Đồng bằng Sông Cửu Long cũng chỉ 70% thành viên của đơn vị tham gia cung ứng hoa, kiểng cho Tết Nguyên đán 2021.
Không chỉ hoa, kiểng mà các nhà vườn trồng quýt hồng - trái cây đặc sản của huyện Lai Vung (Đồng Tháp), một loại trái cây để bày biện bàn thờ gia tiên vào những ngày tết, cũng đang lo lắng do bị bệnh đốm trái, ruồi vàng tấn công gây rụng trái, thiệt hại nặng.
Ông Lưu Văn Ràng, một hộ chuyên trồng quýt hồng chuyên cung cấp cho thị trường ngày tết cho biết: "Ngay đợt ra trái con thì bị ảnh hưởng mấy cơn bão làm mưa kéo dài, phun thuốc phòng trừ bệnh đều không hiệu quả, trái trên cây bị ảnh hưởng 70 - 80%, vỏ xấu khó bán lắm, chưa kể bị rụng trái rất nhiều”.
Tương tự, ông Đoàn Anh Kiệt, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, kể: "Lúc bị ảnh hưởng thời tiết, không có cách nào xử lý nên trái rụng nhiều, năng suất giảm nhiều, số còn trụ lại cũng không đạt về mẫu mã chưng tết. Bây giờ chúng tôi còn kỳ vọng quýt hồng trồng chậu trong nhà lưới nên không bị sâu bệnh tấn công, khả năng vớt vát được phần hư hao ngoài vườn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, khó khăn chung chắc cũng không bán giá cao được".
Theo bà Mai Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổng hợp, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp, thời gian qua, để hỗ trợ cho nông dân làng hoa Sa Đéc, Trung tâm tập trung nghiên cứu các giống hoa, sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng để giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán thực hiện các mô hình sản xuất giống sạch bệnh, mô hình hoa kiểng chất lượng cao. Đồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm hoa, kiểng Sa Đéc.
Trong tình hình thời tiết bất lợi hiện nay, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đến từng hộ sản xuất nhằm khảo sát, kịp thời hướng dẫn cho bà con những vấn đề phát sinh trong chăm sóc hoa kiểng. Bên cạnh đó, phối hợp với hội nông dân trên địa bàn tuyên truyền về các kỹ thuật chăm sóc hoa, kiểng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Tết, phục vụ phát triển du lịch. Theo lộ trình này, chúng tôi kỳ vọng bù lại cho sự bất lợi của thời tiết và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến nền kinh tế của nước ta.