Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thái Nguyên: Phát triển hiệu quả HTX nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM

Xuân Hải - Vân Khánh - 18:05, 09/12/2022

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tư vấn, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Nhiều HTX được hỗ trợ đã phát triển, đạt kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp do Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 9-12.
Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp do Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 9-12.

HTX góp phần giảm nghèo hiệu quả

Phú Bình là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, về lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Huyện đã quan tâm chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, làng nghề đổi mới về công tác quản lý, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp với sản xuất của từng vùng, địa phương. 

Toàn huyện hiện có 56 HTX đang duy trì hoạt động, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo tiêu chí thu nhập trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Điển hình như HTX Gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh. Được thành lập năm 2014, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, HTX đã tận dụng ưu thế diện tích đất chăn nuôi rộng 10ha để quy hoạch, xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, hoạt động theo mô hình kiểu mới, HTX đã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, với quy mô 50 nghìn con gà ri lai thịt.

“Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên về vốn, hỗ trợ tập huấn, chúng tôi dần mở rộng và phát triển HTX. Đến nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm của đơn vị, đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên. Qua đó, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh cho biết.

Còn ở xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, từ một HTX nhỏ với 7 thành viên, đến nay, HTX Miến Việt Cường đã phát triển lên 30 thành viên. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư 26 tỷ đồng mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tự động hóa để không phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công. 

Đến nay, Miến Việt Cường được bày bán ở các siêu thị lớn, bước đầu xuất khẩu sang Thái Lan, nhiều nước châu Âu, mỗi năm mang lại doanh thu 30 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống thành viên HTX được cải thiện tích cực. Đặc biệt, nhờ chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp nên Miến Việt Cường được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, được người tiêu dùng tín nhiệm.

“Việc sản phẩm OCOP được công nhận đạt 5 sao, không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm được nâng tầm quốc gia, mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ tốt sản phẩm ở thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy, tạo cơ chế, điều kiện để sản phẩm OCOP phát triển, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống ở vùng nông thôn. Qua đó, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thiết thực và bền vững hơn”, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường chia sẻ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM đảm bảo chất lượng, bền vững

Theo nhận định của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay, với mô hình sản xuất nông hộ là chủ yếu, ruộng đất phân tán, việc phát triển HTX trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò quyết định để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất.

 Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều Nghị quyết, Đề án phát triển nông nghiệp và chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. 

Trong đó, có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, các HTX, liên hiệp HTX, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ; xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.

Hệ thống giàn phơi của HTX Miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ
Hệ thống giàn phơi của HTX Miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Để kinh tế HTX phát triển nhanh, hiệu quả góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM đảm bảo chất lượng và bền vững trong thời gian tới, theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên thì cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với việc phát triển kinh tế tập thể và phát triển các HTX trên địa bàn. Quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ HTX và đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu; cung cấp thông tin về thị trường, chiến lược phát triển, yêu cầu đổi mới… cho các HTX trong giai đoạn hội nhập. 

Tập trung phát triển các HTX, liên hiệp HTX theo quy mô sản xuất hàng hóa lớn, an toàn, hữu cơ; thúc đẩy, tăng cường liên kết giữa các HTX, giữa HTX với người dân và giữa HTX với các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất của các HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Ngoài ra, thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về phát triển HTX như, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển hạ tầng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ sản xuất an toàn, hữu cơ; hỗ trợ thu hút cán bộ về công tác tại các HTX. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện đối với các tiêu chí trong xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí số 13 để đánh giá chính xác, khách quan về năng lực, hiệu quả tổ chức sản xuất của các HTX, đảm bảo nâng cao chất lượng xây dựng NTM một cách bền vững.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.