Hệ lụy lớn của tham nhũng vặt
Gọi là tham nhũng "vặt", nhưng hậu quả của tình trạng này để lại rất lớn. Hậu quả lớn nhất, nặng nề nhất, nguy hại nhất, chua xót nhất của tệ tham nhũng vặt là sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Người dân, nhất là dân nghèo mỗi khi tiếp cận với các dịch vụ công là phải nghĩ đến “phí bôi trơn”, “phí lót tay”,... những công chức tham nhũng vặt trở thành những kẻ “ký sinh” trên người dân lương thiện.
Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng nó góp phần làm thất thoát tài sản của Nhà nước, quyền lợi vật chất của Nhân dân từng bước bị gặm nhấm, làm rối loạn các giá trị, chuẩn mực xã hội. Thậm chí tham nhũng “vặt” còn làm suy yếu cơ quan công quyền, đồng thời nó cũng là cơ sở để hình thành tham ô, làm lũng đoạn xã hội.
Tham nhũng "vặt" làm mất niềm tin của các nhà đầu tư, làm vẩn đục môi trường kinh doanh và gây nên cơ chế xin - cho, "lót tay" trong đấu thầu kinh doanh. Đặc biệt nó còn là căn nguyên dẫn đến giảm sút lòng tin giữa người với người trong xã hội. Thậm chí, tham nhũng "vặt" còn làm giảm lòng tin của các thành viên trong tổ chức và là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng công kích chống phá Đảng, chế độ. Sâu xa hơn, tham nhũng "vặt" làm xói mòn lòng tin của Nhân dân với thể chế chính trị, giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trong lòng Nhân dân.
Sự thật là tình trạng tham nhũng "vặt” đã kéo dài và hoành hành ở cơ sở nhưng chưa có “thuốc” đặc trị. Tham nhũng "vặt” rất nguy hiểm, vì nó là thứ mà người dân chứng kiến, nhìn thấy hằng ngày. Nó như “ghẻ ruồi’, từng ngày, từng giờ gặm nhấm, bào mòn niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Nó tạo ra một thứ bệnh dịch nguy hiểm trong Nhân dân là dù khinh ghét tham nhũng nhưng sẵn sàng chấp nhận “sống chung với lũ”, chấp nhận hối lộ “vặt” để được việc khi đến các cơ quan công quyền. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”.
Và chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hằng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.
Thực trạng… đáng suy ngẫm
Tham nhũng “vặt” - một thực trạng đang có mặt ở bộ máy chính quyền các cấp, từ những việc tưởng chừng rất đơn giản. Bài toán chống tham nhũng “vặt” cần phải được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả hơn, bởi nếu để tham nhũng “vặt” tồn tại thì hệ quả không chỉ hủy hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của người dân vào những giá trị xã hội, vào chính quyền. Dần dà thói quen này sẽ là tác nhân hủy hoại chính cán bộ của ta, làm méo mó hình ảnh đất nước ta trước bao nhiêu nỗ lực của Đảng, Nhà nước.
Thực tế rất đáng suy ngẫm là, sau khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường thì đạo đức xã hội có xu hướng phát sinh nhiều tiêu cực. Đặc biệt, tư tưởng thực dụng, đặt quyền lợi của cá nhân, gia đình, "lợi ích nhóm" lên trên lợi ích của tập thể, cộng đồng và đất nước đã hình thành trong xã hội.
Biểu hiện rõ nhất là trước đây, tuyệt đại đa số người dân rất căm ghét tham ô, tham nhũng, coi đó là điều vô cùng xấu xa và quyết liệt đấu tranh, tẩy chay những người có hành vi đó. Các thế hệ ông bà, cha mẹ thường xuyên răn dạy, nhắc nhở con cháu không được tham ô làm xấu hổ cả làng, cả họ. Có có nhiều người cha, người mẹ, người vợ khi thấy con, thấy chồng làm cán bộ, công chức mà mua được đồ dùng đắt tiền thì lo lắng, tra hỏi đến cùng xem có tham ô hay không. Đây chính là điều quan trọng hàng đầu để đội ngũ cán bộ, đảng viên không dám và tự giác không tham nhũng, dù gia đình còn nghèo túng.
Nhưng sau này đã khác. Đa số người dân mong muốn con cháu mình được làm cán bộ để lo cho gia đình có cuộc sống khấm khá. Thậm chí, ai làm cán bộ mà nghèo khó, không giúp được cho gia đình và người thân còn bị coi là bất thường, kém cỏi, đáng chê. Không những thế, nhiều người sẵn sàng "chung chi", "bôi trơn", coi việc "đưa phong bì, đi cửa sau" là điều bình thường để được việc, "đôi bên cùng có lợi". Lối sống đó vô hình trung dẫn tới khích lệ, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Có một tình trạng chung ở nhiều cấp ủy địa phương là thừa nhận tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, nhưng đó là tình trạng chung, tồn tại ở đâu đó chứ không phải trong nội bộ cấp ủy, tổ chức của mình. Vì lẽ đó mà tình trạng “dưới lạnh” vẫn tồn tại. Dân gian có câu “làm nghề nào, xào nghề ấy”. Câu nói ấy đang mặc nhiên được chấp nhận ở các công sở. Theo một số liệu thống kê được công bố trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 6/2/2022, trong giai đoạn 2013-2020, chỉ riêng trong các cơ quan thanh tra nhà nước đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 3 vụ việc xảy ra ở thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc ở thanh tra cấp tỉnh, 51 vụ việc ở thanh tra cấp huyện và cấp sở. Số liệu này chính là lời cảnh tỉnh cho cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện về sự cần thiết phải tiến hành ngay các biện pháp dưỡng liêm cho các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp mình.
Hội nghị Trung ương V vào tháng 6/2022 vừa qua thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng. Chủ trương này tiếp tục thể hiện quyết tâm ngăn chặn tham nhũng ở mọi cấp, từ tham nhũng lớn tới tham nhũng vặt. Tuy nhiên, nếu tham nhũng lớn là những đại án thì, tham nhũng "vặt" lại hiện diện khắp nơi, gây bức xúc hằng ngày nhưng không dễ nhận diện và xử lý. Vấn đề đặt ra là làm thế nào nhận diện tham nhũng vặt để xử lý hiệu quả...
Hy vọng rằng, với việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu, “ngọn lửa” sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ từ cơ sở, giúp cấp ủy từ cơ sở đến Trung ương củng cố quyết tâm “nhìn rõ sự thật” ở cấp mình.