Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến Đồng bằng sông Cửu Long

N. Tâm - 22:00, 24/04/2024

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc triển khai Dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia sẽ tác động đến môi trường và hệ thống nước sông Mê Kông, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tham vấn, đánh giá độc lập về dự án được quan đặc tâm đặc biệt, từ đó chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và phía Campuchia.

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh cuộc họp tham vấn ngày 23/4/2024.

Ngày 23/4, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về Dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia; với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, nhà khoa học, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Ban Tổ chức, mục tiêu của cuộc họp là để thảo luận và xin ý kiến của các đại biểu về đề xuất Dự án Kênh đào Funan Techo nối sông Bassac ra cảng Kẹp của Campuchia; đánh giá tác động của Dự án này do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tiến hành, các lĩnh vực tác động mà Việt Nam quan tâm; các yêu cầu về kết quả đánh giá tác động và các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động.

Thông tin được đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam trình bày tại cuộc họp cho thấy, dự án kênh đào Phù Nam - Techo có chiều dài khoảng 180 km, nối từ Prek Takeo trên sông Mê Kông đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở Tây Nam Campuchia. Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028.

Tại cuộc họp ngày 23/4, các đại biểu đã nêu các quan ngại về dự án, bao gồm: Các tác động của dự án đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL; đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên, khắc nghiệt hơn.

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến đồng bằng sông Cửu Long 1
Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp tham vấn.

Ts. Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Cần Thơ) cho rằng, kênh Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.

“Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, trước cuộc họp tham vấn ngày 23/4, trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về Dự án cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã tiến hành các cuộc trao đổi song phương với phía Campuchia ở các cấp để nêu quan ngại của Việt Nam về tác động của Dự án tới ĐBSCL. Tại các cuộc tiếp xúc, Ủy ban sông Mê Kông Campuchia đã ghi nhận các quan ngại của phía Việt Nam về dự án và thông báo đang làm việc với các bộ, ngành liên quan của Campuchia để chuyển tải các ý kiến của phía Việt Nam.

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến đồng bằng sông Cửu Long 2
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan ngại việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia sẽ tác động tiêu cực đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Đồng thời, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế hỗ trợ các quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án. Hiện Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu độc lập về tác động của dự án, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.

Tại cuộc họp tham vấn, bà Nguyễn Thị Thu Linh - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trong việc tiến hành nghiên cứu độc lập tác động của Dự án; đồng thời, ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp tham vấn này và sẽ chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và phía Campuchia.

Theo bà Linh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Campuchia và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghiên cứu về tác động của Dự án; đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động và tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn tại các quốc gia.

Theo thông báo của Campuchia, dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh/sông. Các đoạn kênh được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80 - 120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua. Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh.

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.