Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông - Từ nhận thức đến hành động

Quỳnh Trâm - 02:02, 19/06/2024

Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được đánh giá là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh. Để nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nề nếp, tập quán bền vững, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung thực hiện ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn.

Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa
Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa

Đẩy lùi hủ tục

Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã mời các báo cáo viên là người Mông có nhiều kinh nghiệm và kiến thức để tuyên truyền tại các Hội nghị bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt, như báo cáo viên Lầu Minh Pó - nguyên Phó Bí thư Huyện Ủy huyện Mường Lát; Trung tá Lầu Văn Lâu - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pù Nhi... Các báo cáo viên đều là những người am hiểu tiếng Mông, phong tục, tập quán của người Mông nên khi truyền tải thông tin bà con dễ tiếp nhận.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ; xóa bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng làng, bản văn hóa trong đồng bào Mông...

Cùng với đó, lồng ghép tuyên truyền các vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống thành lập “Nhà nước Mông”; Luật Phòng, chống ma túy; vấn đề di cư tự do, truyền đạo và phát triển đạo trái pháp luật; thực hiện xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng hương ước, quy ước văn hóa tại vùng đồng bào Mông và một số vấn đề về tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông...

Thông qua các hội nghị tuyên truyền, đã tạo sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ, người dân đã dần hiểu được việc thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, không còn phù hợp, là góp phần giúp cho đồng bào tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội ngày một tiến bộ... Vì vậy, đại đa số người Mông đồng tình, ủng hộ và thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Kết quả trên góp phần tích cực đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục trong nghi thức tang lễ của đồng bào Mông, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Điều này được minh chứng bằng những con số cụ thể như: Tỷ lệ bản có hương ước, quy ước và thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ đạt 100%; tỷ lệ đám tang đồng bào Mông tổ chức theo nếp sống văn hóa mới đạt 99,2%; tỷ lệ trưởng dòng họ, trưởng bản, Người có uy tín có cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định đạt 90%; tỷ lệ bản đạt danh hiệu văn hóa đạt 50%; tỷ lệ hộ gia đình đồng bào Mông đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 61,5%; tỷ lệ đám tang không tổ chức bắn súng thông báo có người chết đạt 100%; số bản đồng bào Mông có nghĩa địa tập trung chiếm 63,6%...

Ông Lầu Minh Pó, Nguyên Phó Bí thư Huyện Ủy huyện Mường Lát (người đi đầu tiên) luôn sát cánh cùng đồng bào Mông trong việc đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới (Ảnh: Đặng Trung).
Ông Lầu Minh Pó - Nguyên Phó Bí thư Huyện Ủy huyện Mường Lát (người đi đầu tiên) luôn sát cánh cùng đồng bào Mông trong việc đẩy lùi hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới. (Ảnh: Đặng Trung)

Duy trì bền vững nếp sống mới

Bên cạnh kết quả tích cực, việc duy trì bền vững nếp sống mới trong tang lễ vùng đồng bào Mông cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể như, do đặc thù về địa bàn cư trú và một số trưởng bản, trưởng họ sau khi được tuyên truyền tại các hội nghị về, chưa thực sự nhiệt tình, trách nhiệm triển khai kịp thời việc tuyên truyền vận động đến Nhân dân trong thôn bản; Một số Tổ tuyên truyền ở thôn bản hoạt động chưa tích cực, chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao; mặt khác, một số người cao tuổi, trưởng họ vẫn còn giữ quan niệm cũ. Vì vậy, vẫn còn tình trạng có người chết để lâu hơn 2 ngày mới đem đi chôn, gây tốn kém về kinh phí và mất vệ sinh.

Để việc tổ chức tang lễ của đồng bào Mông theo nếp sống văn hóa mới, trở thành nề nếp bền vững, ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa của người Mông, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông năm 2024; tập trung ở địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa cho 384 đại biểu.

Trong đó, huyện Mường Lát 147 đại biểu gồm cán bộ xã Tam Chung; cán bộ và người dân tộc Mông thuộc 4 bản của xã Tam Chung. Huyện Quan Sơn 133 đại biểu gồm, cán bộ xã và 3 bản Xía Nọi, bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy; bản Ché Lầu, xã Na Mèo. Huyện Quan Hóa 104 đại biểu gồm cán bộ xã và bản Buốc Hiềng xã TrungThành; bản Suối Tôn xã Phú Sơn.

Ngoài tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, công tác tuyên truyền cũng sẽ được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Thanh Hóa, Đài truyền hình tỉnh Thanh Hóa, Báo Dân tộc và Phát triển.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc Thanh Hóa, điều kiện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn rất nhiều khó khăn, chất lượng dân số thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (80,5%). Ngoài ra, cùng với một số hạn chế đã nêu như, người già cao tuổi trong các dòng họ đồng bào Mông còn chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. 

Ban Dân tộc tỉnh xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng; đồng thời với cách tuyên truyền cần "mưa dầm thấm lâu", tin chắc rằng, đồng bào sẽ từng bước nhận thức được lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, chấp hành nghiêm pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh khu vực biên giới của tỉnh. 

Người dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 4.231 hộ với 22.223 khẩu; trong đó hộ nghèo chiếm 66,30%; cận nghèo 15,95%. Từ năm 2021 đến năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức được 11 hội nghị tuyên truyền cho hơn 1.600 lượt đại biểu là người Mông tham gia; riêng năm 2024, trong tháng 4, đã tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền cho 384 lượt người Mông và cán bộ xã tham gia tại xã Tam Chung, huyện Mường Lát; bản Xía Nọi, bản Mùa Xuân xã Sơn Thủy, bản Ché Lầu xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; bản Suối Tôn xã Phú Sơn, bản Buốc Hiềng xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.