Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thanh Hóa: Tuổi trẻ vùng DTTS và miền núi nỗ lực góp sức xây dựng bản làng, quê hương

Quỳnh Trâm - 11:32, 15/04/2024

Trong những năm qua, từ nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên vùng DTTS và miền núi; cùng với sự nỗ lực vươn lên, nhiều bạn trẻ miền núi xứ Thanh đã gặt hái được những thành quả tích cực trong lao động, học tập và công tác. Thành quả đó đã và đang góp phần xây dựng bản làng, quê hương ngày càng phát triển bền vững.

Trong những năm qua, thanh thiếu niên vùng DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động của tổ chức đoàn, hội, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên, đoàn viên, sinh viên tiêu biểu, nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập và lao động.

Em Phạm Châu Giang, dân tộc Mường, ở huyện miền núi Ngọc Lặc đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền và dành Huy chương Vàng môn Karatedo tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hoá năm 2023.
Em Phạm Châu Giang, dân tộc Mường, ở huyện miền núi Ngọc Lặc đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền và dành Huy chương Vàng môn Karatedo tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hoá năm 2023.

Tiêu biểu cho thế hệ học sinh DTTS miền núi Thanh Hóa nỗ lực, rèn luyện vươn lên trong học tập phải kể đến em Phạm Châu Giang (SN 2006), dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc.

 Nhiều năm liền trong các cấp học, em Giang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và tích cực tham gia các phong trào đoàn, đội ở cơ sở. Học hết cấp 2 ở địa phương, Giang trúng tuyển vào trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa- Ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS của tỉnh. Được học tập trong môi trường tốt cộng với sự chăm chỉ, cần cù, Giang luôn luôn ở tóp đầu về thành tích học tập ở trường.

Không chỉ  là học sinh giỏi, Giang còn là "tay" karatedo có tên tuổi của trường. Vừa qua, Giang xuất sắc dành Huy chương Vàng môn Karatedo tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hoá năm 2023.

“Ngoài giờ học, em thường tập luyện karatedo. Môn võ này giúp em rèn luyện sức khỏe và luyện tinh thần kỷ luật, sự tự tin trong cuộc sống”, Châu Giang chia sẻ.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1 triệu thanh niên, trong đó thanh niên vùng DTTS và miền núi là hơn 130.000 người, chiếm khoảng 13% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, các cấp bộ đoàn tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; các cuộc vận động phù hợp với đặc điểm riêng của từng dân tộc, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp. 

Trong những tấm gương khởi nghiệp ở vùng miền núi, phải kể đến anh Lê Huy Khen (SN 1988), đoàn viên thuộc chi đoàn Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm, huyện miền núi Quan Hóa đã thành công với mô hình xưởng cơ khí cho thu nhập bình quân hàng năm trên 200 triệu/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương; anh Phạm Văn Châu (SN 1989), dân tộc Mường với mô hình xưởng mộc chuyên sản xuất đồ nội thất. Tổng thu nhập năm 2023 đạt 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận là 680 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương.

Sự nỗ lực và đóng góp của thanh niên đang góp phần vào xây dựng và phát triển bền vững của quê hương miền núi Thanh Hóa.
Sự nỗ lực và đóng góp của thanh niên trong lao động, sản xuất đang góp phần vào xây dựng và phát triển bền vững của quê hương miền núi Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết: Tỉnh đoàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các ban, ngành tạo nguồn lực hỗ trợ về vốn cho thanh niên vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp, thông qua nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách ủy thác cho tổ chức đoàn quản lý; nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.

Tính đến tháng 3/2024, chương trình đã hỗ trợ cho 958 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho thanh niên DTTS và miền núi, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTT và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025.

Tính đến tháng 3/2024, Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” được 958 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế trên đia bàn Thanh Hóa
Tính đến tháng 3/2024, Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” được 958 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế trên đia bàn Thanh Hóa

Thành công trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào ở cơ sở phải kể đến vai trò các Bí thư chi đoàn. Là một Bí thư Chi đoàn xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), chị Cầm Thị Liên (SN 1989) không chỉ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác đoàn; mà còn tích cực làm công tác xã hội từ thiện vì cộng đồng. 

Theo đó, trong năm 2023, chị Liên đã vận động nguồn xã hội hóa xây dựng công trình thanh niên khu vui chơi thiếu nhi của xã, trị giá 7 triệu đồng, hỗ trợ 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 25 triệu đồng, phối hợp với CLB thiện nguyện - Hiến máu Ngọc Lặc và nhóm Ước Vọng trao sinh kế cho 2 gia đình 6 con lợn giống trị giá hơn 7 triệu đồng, tặng 107 suất quà cho thiếu nhi trị giá 19,5 triệu đồng.

“Những đóng góp của tôi dù rất nhỏ bé nhưng tôi cảm thấy vui, tự hào vì đã góp một phần giúp ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn ngay nơi tối sinh sống. Dù ở cương vị nào, tôi cũng sẽ cố gắng làm hết sức mình”, chị Liên chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, năm 2022 và 2023, chị Liên được Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Những đoàn viên, thanh niên miền núi xứ Thanh, với lòng nhiệt huyết và khát vọng vươn lên của tuổi trẻ đã nỗ lực trong học tập, lao động, công tác để có được những thành quả nhất định, xứng đáng là những “thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”. 

Tin cùng chuyên mục
Mạnh dạn ứng dụng "nông nghiệp thông minh" giúp đồng bào DTTS số thoát nghèo

Mạnh dạn ứng dụng "nông nghiệp thông minh" giúp đồng bào DTTS số thoát nghèo

Trong khi nhiều người trẻ lần lượt bỏ ra thành thị tìm việc làm, thì anh Tống Văn Viện, dân tộc Tày (sinh năm 1987) ở xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lại từ thành thị trở về quê để lập nghiệp. Với quyết tâm dám nghĩ, dám làm cùng sự sáng tạo, anh Viện đã góp sức giúp người dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo….