Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thanh niên DTTS: Góp sức xây dựng quê hương

Hoài Dương - 09:47, 25/03/2020

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS ngày càng có nhiều những tấm gương thanh niên DTTS vượt qua nhưng khó khăn, không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm, với những việc làm cụ thể để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.

Thanh niên DTTS góp sức xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái (Ảnh TL)
Thanh niên DTTS góp sức xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái (Ảnh TL)

Tiêu biểu trong số thanh niên DTTS có anh Cứ A Chu (SN 1982), dân tộc Mông, ở bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu). Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Cứ A Chu không bằng lòng khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013, sau khi thăm quan và học hỏi kỹ thuật trồng hoa địa lan từ anh Hảng A Sà ở Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), anh Chu quyết định đưa địa lan về bản Lao Chải 1 và vận động bà con trong bản cùng trồng với kỳ vọng đưa bản thoát nghèo. Đến nay gia đình nào của bản cũng trồng địa lan và có thu nhập thấp nhất là 30 triệu đồng/năm từ địa lan.

Cùng với việc giúp đỡ các hộ nghèo trong bản phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, anh Cứ A Chu còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản hiến 1.480m2 đất để xây dựng đường giao thông nội bản; đóng góp 15.000 ngày công xây dựng nông thôn mới…

Ngoài ra, anh Cứ A Chu đã cùng Chi bộ bản vận động bà con góp công, góp tiền để chỉnh trang, xây dựng bản Lao Chải 1 trở thành điểm du lịch cộng đồng. Chi bộ đã vận động được trên 40 hộ đóng góp 45 triệu đồng làm điện chiếu sáng trong bản; góp tiền để mua hoa, cây cảnh về trồng, tạo nên cảnh quan thơ mộng cho bản làng…

Còn chị Hà Thị Chiển (SN 1987), dân tộc Thái, được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) từ năm 2011. Một năm sau đó, chị đã đứng ra vận động bà con gieo cấy toàn bộ 11,4ha diện tích bằng giống lúa mới năng suất, chất lượng cao. “Năm đó gia đình tôi thu được 50 bao thóc, gấp đôi giống lúa trước. Thấy vậy, bà con vui mừng bảo nhau đến nhà tôi hỏi mua giống lúa mới”, chị Chiển tâm sự. 

Cùng với việc vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng, chị Chiển còn vận động bà con từ bỏ các hủ tục thách cưới cao, bảo vệ và quản lý hơn 11ha rừng, ủng hộ quỹ hỗ trợ người nghèo trên 1 triệu đồng/năm, thành lập 2 tổ tiết kiệm và cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển chăn nuôi. 

Ngoài ra, chị còn thành lập cụm phụ trách chống bỏ học. Theo đó, chị đã thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Đến nay, 100% học sinh đến tuổi đều đi học đầy đủ, không có trường hợp bỏ học. 

Cùng với anh Chu, chị Chiển, còn nhiều gương thanh niên DTTS tiêu biểu khác, như anh Hờ A Sênh, dân tộc Mông, ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái); chị Hảng Thị Dở, dân tộc Mông, ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu)… đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.