Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thanh niên DTTS ở Khánh Hòa "ly nông bất ly hương"

T.Nhân - H.Trường - 16:01, 14/04/2025

Hiện nay, ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có nhiều thanh niên là người DTTS được các công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện nhận vào làm việc. Điều này, không chỉ giúp thanh niên DTTS có nguồn thu nhập ổn định mà còn tự tin, khẳng định bản thân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, nhiều dự án, khu du lịch cộng đồng, công ty, cụm công nghiệp đã hình thành ở các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; cơ sở hạ tầng đồng bộ. 

Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở địa phương, nhất là thanh niên DTTS. Nhiều bạn trẻ hiện nay không còn phải đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố khác mà đã được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vào làm việc có nguồn thu nhập ổn định, góp phần rất lớn trong việc xây dựng huyện trong giai đoạn phát triển mới.

Công viên Du lịch Yang Bay tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên DTTS
Công viên Du lịch Yang Bay tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên DTTS

Chúng tôi đến Công viên Du lịch Yang Bay, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh gặp anh anh Cao Huỳnh Sơn (25 tuổi, người Raglai, ở thị trấn Khánh Vĩnh). Anh Sơn là một trong những thanh niên DTTS được nhận vào làm việc ở đây. Anh Sơn kể: Bố mất sớm, nên học hết lớp 12 anh phải ở nhà phụ mẹ đi làm nương rẫy, rồi làm thuê khắp nơi nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2023, anh lên các trang mạng xã hội tìm việc làm và biết được Công viên Du lịch Yang Bay có đăng tin tuyển người làm nên đã đăng ký để dự tuyển.

Với chính sách hỗ trợ, ưu tiên tạo việc làm cho đồng bào DTTS ở địa phương, anh Sơn đã được Công viên Du lịch Yang Bay ký hợp đồng lao động. Anh Sơn cho hay: Bắt đầu vào làm việc, mình được sắp xếp vào bộ phận nhà hàng, biểu diễn văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Anh còn được các nghệ nhân cũng là người Raglai dạy chơi các loại nhạc cụ của đồng bào mình. Qua những tháng đầu còn bỡ ngỡ, giờ đây anh đã có thể hát, biểu diễn được các loại nhạc cụ như: Đàn đá, mã la... thuần thục để phục vụ khách du lịch. 

“Từ ngày có công việc tại Công viên Du lịch, mình có thu nhập ổn định lo cho gia đình. Mình rất tự hào khi được biểu diễn các ca khúc, nhạc cụ của đồng bào mình cho du khách ở trên chính mảnh đất mình sinh ra”, anh Sơn vui vẻ chia sẻ thêm.

Những tiếc mục mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS tại Công viên Du lịch Yang Bay hấp dẫn khách du lịch
Những tiếc mục mang đậm nét văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS tại Công viên Du lịch Yang Bay hấp dẫn khách du lịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt) cho biết: Trước đây, đơn vị có 70 lao động, trong đó có 10 lao động người DTTS. Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban lãnh đạo Công viên Du lịch Yang Bay tạo điều kiện cho thêm 20 lao động người DTTS ở địa phương vào làm các công việc hành chính, hướng dẫn viên, chăm sóc cây xanh, dịch vụ buồng phòng, biểu diễn, lái xe… Các lao động mới vào làm được đào tạo bài bản kỹ thuật ươm, chăm sóc cây; kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Các lao động được ký hợp đồng lao động, hưởng mọi chế độ, lương thưởng, phụ cấp, đồng phục theo quy định.

“Không chỉ có sức khỏe tốt, làm việc chăm chỉ, hiệu quả, hình ảnh những nhân viên người DTTS làm việc, biểu diễn các bài hát, nhạc cụ dân tộc, hướng dẫn du khách cũng tạo nên nét đặc trưng riêng cho Công viên Du lịch Yang Bay, đem lại ấn tượng tốt cho du khách. Thời gian tới, Công viên Du lịch Yang Bay sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để đào tạo và tuyển dụng thêm lao động người DTTS vào đơn vị làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp”, ông Lâm phấn khởi thông tin thêm.

Các bạn trẻ người DTTS làm việc tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn
Các bạn trẻ người DTTS làm việc tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn

Không chỉ có Công viên Du lịch Yang Bay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng tạo điều kiện để những thanh niên DTTS vào làm việc. Đơn cử như Nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu (Khánh Vĩnh). Hiện Nhà máy có hàng chục công nhân là người DTTS.

Chị Đrao H’Én (22 tuổi, người Ê đê, xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh), một trong những công nhân ở đây cho hay: Tôi học xong phổ thông thì tham gia công tác đoàn thanh niên tại xã, chưa có việc làm ổn định. Thấy Nhà máy đăng tuyển công nhân lao động, tôi làm đơn xin việc và được nhận vào làm công nhân sản xuất tinh chế, nhặt tạp chất trong tổ yến. Ban đầu chưa có kinh nghiệm làm việc nên còn bỡ ngỡ nhưng được các anh chị quản lý hướng dẫn tận tình, giờ đây tôi đã có thể hoàn thành công việc thuận lợi, đáp ứng được chỉ tiêu sản lượng Nhà máy đặt ra. "Từ ngày có công việc, có thu nhập ổn định, tôi có thể lo được cho bản thân và phụ giúp gia đình", chị Đrao H’Én cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa, Giám đốc Nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, đơn vị có 15 lao động người DTTS làm việc tại các vị trí nhân viên hành chính, công nhân sản xuất tinh chế, đóng gói sản phẩm… Ưu điểm của các lao động người DTTS là chăm chỉ, trung thực và ham học hỏi. 

"Trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu. Chủ trương của Công ty là tiếp tục ưu tiên tuyển dụng lao động người DTTS ở địa phương; tạo điều kiện tốt nhất để lao động người DTTS học tập, phát triển, nâng cao thu nhập", bà Huyền cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Đổi mới trên vùng “lá chắn thép” Du Long

Đổi mới trên vùng “lá chắn thép” Du Long

Du Long là địa danh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nơi đây từng diễn ra những trận đánh chiến lược trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Khi Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung thất thủ, địch đã chọn Phan Rang làm “lá chắn thép” nhằm ngăn chặn bước tiến thần tốc của quân giải phóng về Sài Gòn. Sau 50 năm hòa bình, đồng bào các dân tộc trên vùng “tuyến lửa” Du Long hôm nay đoàn kết xây dựng nông thôn mới, từng bước vươn lên phát triển phồn vinh.