Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới: Vì khát vọng phát triển

Thúy Hồng - 18:51, 08/10/2024

Với sự am hiểu về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán kết hợp với những kiến thức được tuyên truyền từ các chiến dịch, sáng kiến truyền thông, các chương trình lồng ghép giới trong nhà trường, cộng đồng... sẽ giúp cho đội ngũ thanh niên DTTS phát huy được vai trò tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (thứ 2 bên trái) và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thứ 2 bên phải) trò chuyện cùng các thanh niên DTTS về các vấn đề xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (thứ 2 bên trái) và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thứ 2 bên phải) trò chuyện cùng các thanh niên DTTS về các vấn đề xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới

Còn nhiều rào cản về định kiến giới

Sinh ra tại vùng núi Tây Nguyên, Vi Thị Trà Giang (sinh viên Học viện Dân tộc) được tiếp cận với những tập tục của các dân tộc như Ê Đê, Ba Na, Gia Rai theo chế độ Mẫu hệ. Vi Thị Trà Giang cho biết, định kiến giới của chế độ Mẫu hệ, khác với định kiến giới với các DTTS theo chế độ Phụ hệ. Điểm khác biệt lớn nhất là, phụ nữ sẽ là người có vị thế, có vai trò quyết định trong gia đình.

“Dù khác nhau về chế độ hệ nhưng giữa hai bản thể này vẫn có một điểm chung. Đó là chỉ đề cao vai trò, quyền hạn của một giới trong gia đình. Đây chính là bất bình đẳng giới” em Vi Thị Trà Giang cho biết.

Theo Trà Giang, định kiến và khuôn mẫu giới đã hình thành từ lâu, tác động sâu sắc đến xã hội nhưng chủ yếu theo chiều hướng không tích cực. Việc xuất phát điểm thấp hơn so với cả nước về nhiều phương diện đã tạo điều kiện cho định kiến và khuôn mẫu giới ăn sâu vào đời sống tinh thần và đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS.

Còn em Triệu Thị Nhung, sinh viên lớp 23SGC, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, định kiến giới, khuôn mẫu giới là một trong những rào cản, cản trở sự phát triển của thanh niên DTTS, tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và phát triển cá nhân. Định kiến và khuôn mẫu giới không chỉ giới hạn thanh niên DTTS trong việc phát triển sự nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, tâm lý  của họ. 

Theo em Triệu Thị Nhung, để thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố từ giáo dục, chính sách đến văn hóa xã hội.

“Thanh niên chúng em rất mong muốn được tạo điều kiện tham gia nhiều hơn nữa vào các buổi thảo luận, hội thảo, các diễn đàn công khai về việc thúc đẩy bình đẳng giới góp phần thay đổi tư duy xã hội, phá bỏ những định kiến lâu đời và tạo động lực để xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng. Em mong muốn các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn các chính sách, đặc biệt tạo môi trường pháp lý và xã hội hỗ trợ thay đổi về giới; bảo đảm phụ nữ và nam giới có cơ hội tiếp cận như nhau đối với giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội...”, em Nhung chia sẻ.

Phát huy vai trò của thanh niên trong thúc đẩy bình đẳng giới

Đồng bào DTTS sống thành cộng đồng; họ có mối quan hệ dòng tộc gắn bó lâu đời; nơi các giá trị truyền thống và tập quán văn hóa có sức mạnh rất lớn chi phối đời sống tâm linh của đồng bào. Những giá trị này đã tồn tại hàng thế kỷ và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một rào cản vô hình, nhưng mạnh mẽ đối với sự thay đổi. Việc thay đổi các định kiến và khuôn mẫu giới, là một thách thức lớn đối với đông bào nói chung và thanh niên nam nữ DTTS nói riêng.

Ông Đỗ Công Tuân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Để phát huy vai trò, tiếng nói và sự tham gia của người trẻ trong thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là thanh niên vùng DTTS cần tăng cường các chương trình đối thoại, toạ đàm, giao lưu, chia sẻ...

Còn bà Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, thanh niên có nhiều cơ hội để vận dụng giá trị văn hóa của dân tộc mình để thay đổi định kiến giới. Tiêu biểu là việc lồng ghép các thông điệp về bình đẳng giới trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, hội thi... "Điều này không chỉ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng, giải phóng bản thân mà còn bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương theo hướng tiến bộ hơn", bà Hạnh nhấn mạnh.

Thông qua các chiến dịch truyền thông đã tăng cường thông tin, kiến thức thay đổi về định kiến, khuôn mẫu giới cho thanh niên DTTS
Thông qua các chiến dịch truyền thông đã tăng cường thông tin, kiến thức thay đổi về định kiến, khuôn mẫu giới cho thanh niên DTTS

Cũng theo bà Hoàng Thị Hạnh, giải pháp để thúc đẩy vai trò tiên phong của nam nữ thanh niên DTTS trong thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới, là tăng cường đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án và truyền thông để thanh niên có thể chủ động tham gia và dẫn dắt các hoạt động xã hội, từ đó trở thành những người tiên phong trong việc thay đổi các khuôn mẫu giới.

Đặc biệt, khuyến khích và hỗ trợ thanh niên DTTS tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế thông qua các chương trình “Khát vọng khởi nghiệp, bùng sáng bản làng”... hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo kỹ năng để giúp họ khởi đầu kinh doanh.

“Khi thanh niên trở thành những doanh nhân thành công, họ có thể thách thức các định kiến về vai trò giới trong kinh tế và lãnh đạo” bà Hoàng Thị Hạnh cho biết.

Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới, với chủ đề "Thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển" ở các trường đại học ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên. Các hoạt động thu hút đông đảo sinh viên, thanh niên DTTS tham gia. Thông qua các chiến dịch truyền thông đã tăng cường thông tin, kiến thức thay đổi về định kiến, khuôn mẫu giới cho thanh niên DTTS.

Để phát huy vai trò, tiếng nói và sự tham gia của người trẻ trong thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là thanh niên vùng DTTS cần tăng cường các chương trình đối thoại, toạ đàm, giao lưu, chia sẻ
Để phát huy vai trò, tiếng nói và sự tham gia của người trẻ trong thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là thanh niên vùng DTTS cần tăng cường các chương trình đối thoại, toạ đàm, giao lưu, chia sẻ

Em Vi Thị Thu Giang, sinh viên Học viện Dân tộc cho biết: Sau khi tham gia Chiến dịch truyền thông, chúng em sẽ chia sẻ lại trong chính lớp học và cộng đồng nơi mình sinh sống về việc nhận diện và xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới; về hậu quả của tảo hôn, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình và trọng nam khinh nữ….

Có thể thấy, thanh niên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới. Thế hệ trẻ sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ, bởi các câu chuyện tiên phong, dũng cảm vượt qua những rào cản để xóa bỏ những định kiến, khuôn mẫu giới, thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.