Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Thanh tao hương vị trà sen

Trương Vui - 19:41, 18/07/2023

Tháng 6 khi những đóa sen đang độ nở rộ, cũng là lúc những người làm nghề ướp trà sen tại Tây Hồ, Hà Nội tất bật vào vụ mùa mới. Qua bàn tay khéo léo của những người thợ, hương thơm của trà ướp sen Tây Hồ đã được đi khắp muôn nơi, như một thức quà thanh tao, đậm đà phong vị Hà Nội xưa.

Từ lâu trà ướp sen Tây Hồ đã trở thành một thức quà thanh tao, đậm đà phong vị Hà Nội xưa (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)
Từ lâu trà ướp sen Tây Hồ đã trở thành một thức quà thanh tao, đậm đà phong vị Hà Nội xưa (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)

Đặc sản nức tiếng Hà thành

Từ lâu trà sen đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội, đi vào tiềm thức của bao người dân Thủ đô và du khách gần xa. Không chỉ là thức uống đơn thuần, trà sen còn mang đậm nét văn hóa, sự tinh tế của người Hà thành, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.

Để tạo nên hương vị thanh tao, đậm đà, đượm vị, người nghệ nhân phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, đặt hết tâm huyết và những bí quyết riêng biệt vào từng hạt gạo sen, búp trà. Cũng bởi sự cầu kỳ, chăm chút, nâng niu và những công đoạn chế biến hoàn toàn thủ công để tạo ra thành quả, mà trà sen còn được xem là “thiên cổ đệ nhất trà”, loại trà quý giá mà trước đây chỉ dành để dâng lên vua chúa.

Theo các nghệ nhân, hiện trà sen Tây Hồ có thể được ướp theo cách truyền thống và ướp xổi, để thuận tiện cho nhu cầu sử dụng và sở thích của mỗi khách hàng.

Với trà sen ướp xổi, tận dụng hương thơm của sen khi cánh hoa vừa hé nở, nghệ nhân cho trà khô vào bên trong những búp sen, sau đó bọc lá sen vào bông hoa và khéo léo dùng lạt buộc lại ở cuống hoa, để từng búp chè đều được gói gọn trong hương sen thơm thoảng. Bông trà tiếp tục được cắm trong nước khoảng 2 ngày và được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần.

Sau khi đưa trà khô vào bên trong những búp sen, người thợ khéo léo dùng lạt buộc lại ở cuống hoa, để từng búp chè đều được gói gọn trong hương sen thơm thoảng
Sau khi đưa trà khô vào bên trong những búp sen, người thợ khéo léo dùng lạt buộc lại ở cuống hoa, để từng búp chè đều được gói gọn trong hương sen thơm thoảng

Còn với trà sen truyền thống, loại trà được coi là khó làm, mất nhiều công sức nhất, mà không phải ai cũng có đủ sự kiên nhẫn và kinh nghiệm để làm được. Từ việc tỉ mỉ tách rời từng cánh hoa, nhụy hoa, để lấy được phần gạo sen, sao cho không bị nát, giữ nguyên mùi thơm đặc trưng, dùng ướp với chè. Kế tiếp, cứ một lớp chè lại một lớp gạo sen, rồi đến các công đoạn tẩm ướp, đảo, sấy khô. 

Theo kinh nghiệm của những người nghệ nhân, quá trình tạo ra loại trà này giống như việc người mẹ chăm sóc các con, càng tỉ mẩn, nâng niu với từng công đoạn thì thành phẩm trà sẽ càng quyện vị, thơm ngon.

Cũng bởi để làm ra được 1 kg trà sen khô loại thượng hạng, thì phải cần đến khoảng 1.000 - 1.200 bông sen tươi và phải trải qua nhiều quy trình rất cẩn thận, kỳ công, mà đây được đánh giá là loại trà quý giá hơn cả. Chỉ cần nhâm nhi một ngụm trà, người thưởng thức cũng có thể cảm nhận được hương thơm tinh khiết, thanh tao của sen, cái nồng nàn của trà, cùng hương vị đất trời được gói ghém, hòa quyện, kết tinh, còn đọng lại phảng phất.

Cũng vì thế mà bao đời nay, chẳng cần quảng cáo quá nhiều, trà sen Tây Hồ vẫn trở thành thức uống tao nhã, một món quà quý đi đến khắp mọi miền đất nước, mang theo trọn vẹn những phong vị đặc trưng nơi mảnh đất kinh kỳ.

Nghề truyền thống Quảng An

Năm nào cũng vậy, mùa sen nở cũng là lúc các nghệ nhân làm trà sen truyền thống Hà thành lại rộn ràng trong các công đoạn tạo hương vị trà sen. Nhờ những kinh nghiệm, bí quyết riêng biệt được truyền lại từ bao đời, mà dù rằng hiện nay trà ướp sen có thể được làm từ nhiều vùng, nhiều nơi, nhưng không đâu có được hương vị đặc trưng như trà ướp sen Tây Hồ.

Cụ Nguyễn Thị Dần được biết đến là nghệ nhân lớn tuổi nhất đã gắn bó cả đời với nghề làm trà sen tại Quảng An (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)
Cụ Nguyễn Thị Dần được biết đến là nghệ nhân lớn tuổi nhất đã gắn bó cả đời với nghề làm trà sen tại Quảng An (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)

Chúng tôi tìm đến một ngôi nhà nhỏ trên đường Tô Ngọc Vân, nhà của cụ Nguyễn Thị Dần (100 tuổi), là nghệ nhân lớn tuổi nhất đã gắn bó cả đời với nghề làm trà sen tại Quảng An. Theo chia sẻ, đây là nghề truyền thống của gia đình, từ khi 9 tuổi, cụ được mẹ truyền dạy từng công đoạn. Từ đó, vì say mê hương vị thanh tao, thuần khiết, mà cứ thế gắn bó đến tận hôm nay.

Theo cụ Dần, muốn ướp được trà sen ngon, không chỉ là người am hiểu nghề mà còn phải hiểu được sen. Hoa sen chỉ cho hương thơm trọn vẹn nhất khi cánh hoa vừa hé nở, khi những giọt sương ban mai và những gì tinh túy nhất của trời đất còn đọng lại trong bông sen. Nếu để ánh nắng chiếu vào hoa càng lâu, thì hoa càng nhanh mất mùi hương, khi đó ướp vào trà sẽ không hương thơm nữa.

Chính vì thế mà như một thói quen mỗi năm, cứ bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, sen bắt đầu vào vụ, thì từ sáng sớm, gia đình cụ Dần lại bận rộn với công việc lấy sen và bắt đầu các công đoạn chế biến trà, bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê.

Cụ Dần cho hay, hiện nay trên thị trường, nhu cầu về trà sen rất nhiều. Trung bình một ngày gia đình cụ làm từ 700 - 1.000 bông sen, bảo đảm nhu cầu sử dụng của khách hàng. Giá bán vào khoảng 35.000 - 50.000 đồng/bông, và khoảng 7 triệu đồng/kg với loại trà sen truyền thống.

Du khách thích thú trải nghiệm các công đoạn làm trà sen (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)
Du khách thích thú trải nghiệm các công đoạn làm trà sen (Ảnh: Fanpage Trà Sen Bà Dần)

Cũng nhờ đó, nghề làm trà sen đã mang lại thu nhập để trang trải cuộc sống cho gia đình cụ và nhiều hộ tại Quảng An. Nhưng với cụ Dần, quan trọng hơn cả, đây còn chính là việc giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng, nghề truyền thống đã có từ xa xưa. 

Đó cũng chính là điểm nhấn du lịch ấn tượng cho du khách quốc tế, được trực tiếp tham gia và trải nghiệm các công đoạn tỉ mỉ được lưu truyền từ bao đời của người dân Việt.

“Tôi luôn tự hào, bởi vì sản phẩm là biểu tượng thanh tao cho xứ Hà thành được mọi người nâng niu, đón nhận, Do vậy, tôi truyền dạy lại cho các con, các cháu, với hy vọng các các con, các cháu tôi sẽ tiếp nối, giữ gìn, để hương vị trà sen còn mãi được lưu truyền”, cụ Dần tự hào.

Theo thời gian, trà sen Quảng An đã trở thành một đặc sản đặc trưng và là một phần không thể thiếu khi nhắc về Thủ đô nghìn năm văn hiến. Qua bàn tay khéo léo của mỗi người nghệ nhân, hương thơm của trà ướp sen Hồ Tây đã đi khắp muôn nơi, là món quà tinh túy cho người đi xa nhớ về quê hương, về vẻ đẹp giản dị mà thuần khiết được bảo tồn và trao truyền qua bao thế hệ.

Tin cùng chuyên mục
Vịt bầu lam ống nứa đậm đà dư vị Tây Bắc

Vịt bầu lam ống nứa đậm đà dư vị Tây Bắc

Món ăn chế biến từ thịt vịt là một đặc sản truyền thống của vùng cao Tây Bắc. Trong số những món ăn như vịt luộc, quay, nướng, xáo thì món vịt bầu lam ống nứa để lại dư vị đậm đà nhất. Thật thú vị khi bạn ngược lên Tây Bắc, vào mùa nào cũng có cơ hội để thưởng thức món ăn hấp dẫn này.