Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại vùng khó khăn: Điều chỉnh đối tượng để tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế (Bài 2)

Tùng Nguyên - 16:50, 03/08/2022

Tín dụng chính sách theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg là nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng khó khăn. Nhưng do chưa quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng, nên chính sách này chỉ mới bảo đảm mục tiêu giảm nghèo, chưa tạo được “cú hích” vươn lên làm giàu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Đại đa số khách hàng tiếp cận vốn chính sách theo QĐ 31 chủ yếu đầu tư sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Đại đa số khách hàng tiếp cận vốn chính sách theo QĐ 31 chủ yếu đầu tư sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Đối tượng vay vốn rộng

Trong Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (QĐ 31) và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (QĐ 92), mức vay tối thiểu được quy định là 30 triệu đồng/hộ (từ năm 2016 được nâng lên tối thiểu 50 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 306/QĐ-TTg và Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 26/2/2016), tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ. Đây là hạn mức vay thuộc diện khá cao trong 18 chương trình tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92, là một trong các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH quản lý được nhiều khách hàng tiếp cận. Vì vậy, đây là chương trình tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ của NHCSXH.

Đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 rất rộng, bao gồm các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. (Ảnh minh họa)
Đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 rất rộng, bao gồm các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của NHCSXH Việt Nam, tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của toàn hệ thống đạt 247.970 tỷ đồng. Trong khi đó, theo văn bản số 6166/BTC-TCNH ngày 21/6/2022, Bộ Tài chính thống kê, tính đến 31/12/2021, tổng doanh số cho vay theo QĐ 31 đạt trên 84 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ trên 27,5 nghìn tỷ đồng. Còn với QĐ 92, tính đến 31/12/2021, tổng doanh số cho vay đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, dư nợ chương trình trên 180 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ/cá nhân tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi theo QĐ 31 và QĐ 92, là do đối tượng thụ hưởng chính sách này rất rộng. Với QĐ 92, đối tượng thụ hưởng được quy định là “thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn”.

Còn với QĐ 31, đối tượng thụ hưởng là các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại), không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Điều này đồng nghĩa, các hộ gia đình ở vùng khó khăn (hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo, thậm chí hộ khá giả) đều có thể tiếp cận được chính sách, miễn không phải là hộ nghèo. Đây chính là điểm khác biệt của tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 so với các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Về hiệu quả của chính sách, Bộ Tài chính đánh giá một cách thận trọng là, vốn cho vay ưu đãi đã khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước.

Bộ Tài chính đề xuất, đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 phải là những hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chưa được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đề xuất, đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 phải là những hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chưa được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH. (Ảnh minh họa)

“Gom” đối tượng để tránh trùng lắp

Theo Điều 1 - QĐ 31 và Điều 1 - QĐ 92, tín dụng chính sách được quy định tại 02 Quyết định này, là nhằm “thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng khó khăn”. Như vậy, đại đa số khách hành tiếp cận đươc vốn chính sách này chủ yếu đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, với mức vay chỉ từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất để thoát nghèo, chưa tạo được “cú hích” thực sự để khách hàng vay vốn vươn lên làm giàu.

Đơn cử như gia đình ông ông Đinh Lương, dân tộc H’rê, ở thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long, Quảng Ngãi) có 2ha đất. Năm 2019, ông vay 50 triệu đồng theo QĐ 31 để trồng keo và mua trâu về nuôi. Đến năm 2021, gia đình ông trả được 10 triệu đồng tiền gốc đã vay.

Đó là gia đình ông Đinh Lương còn có 2ha đất để sản xuất, lại chăm chỉ làm ăn. Trong khi hiện vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về hiệu quả trực tiếp của tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92, trong việc thực hiện mục tiêu “cho vay phát triển thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước” được quy định tại Điều 1 của 02 Quyết định này.

Theo báo cáo của NHCSXH, tính đến 31/12/2021, toàn hệ thống có gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 44.398 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo đạt 43.612 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt 36.062 tỷ đồng; hộ nghèo đạt 27.479 tỷ đồng; giải quyết việc làm đạt 39.946 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 27.550 tỷ đồng; học sinh, sinh viên đạt 10.243 tỷ đồng;...

Trong văn bản số 6166/BTC-TCNH ngày 21/6/2021 của Bộ Tài chính có một số liệu rất đáng chú ý. Theo đó, Bộ Tài chính thống kê, tính đến 31/12/2021, tỷ lệ nợ quá hạn của gói cho vay theo QĐ 31 là 0,21%; còn theo QĐ 92 là 1,08%.

Như vậy, nợ quá hạn của tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92, cao hơn bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH. Theo báo cáo của NHCSXH, tính đến 31/12/2021, nợ quá hạn toàn hệ thống chiếm khoảng 0,2% tổng dư nợ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chiếu theo quy định về đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 thì đang có sự trùng lắp với nhiều chương trình tín dụng khác do NHCSXH quản lý. Bởi hiện vùng khó khăn cũng đang có các chương trình tín dụng cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay ưu đãi, như chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Cũng vì thế mà ở vùng khó khăn có tình trạng, một hộ gia đình nhưng được tiếp cận hai, thậm chí ba chương trình tín dụng chính sách. Đây là nguy cơ đối với công tác bảo đảm an toàn nguồn vốn cho hệ thống NHCSXH, đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.

Để hạn chế bất cập này, trong dự thảo sửa đổi QĐ 31 và QĐ 92, Bộ Tài chính cho rằng, cần quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, thời gian tới, đối tượng thụ hưởng QĐ 31 và QĐ 92 phải là những hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chưa được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH. Việc “gom” đối tượng thụ hưởng chính sách theo hướng này là để hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân hoạt động thương mại ở vùng khó khăn có bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Cùng với đề xuất xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng, Bộ Tài chính cũng cho rằng, QĐ 31 và QĐ 92 cần nâng hạn mức vay, trong đó nâng mức vay cho thương nhận hoạt động thương mại lên 1 tỷ đồng/trường hợp để tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.