Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại vùng khó khăn: Nâng mức cho vay để nâng cao hiệu quả của chính sách (Bài 3)

Tùng Nguyên - 20:11, 04/08/2022

Mức vay hiện hành theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg chưa tương thích với quy mô của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại ở vùng khó khăn ngày càng được mở rộng cũng như biến động giá cả thị trường hằng năm. Do đó, việc “nới” trần hạn mức tín dụng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. (Ảnh minh họa)
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. (Ảnh minh họa)

Mức vay thấp, dù đã có điều chỉnh

Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (QĐ 31) được ban hành cách đây 15 năm; còn Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (QĐ 92) chính thức có hiệu lực cũng đã hơn 11 năm. Mặc dù hạn mức vay đã được điều chỉnh tăng lên, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng vay vốn.

Cách đây 10 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ở xóm Trại Cài 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) được vay 30 triệu đồng theo QĐ 31. Từ vốn vay này và vốn tích lũy được, gia đình chị đã đầu tư vào 3 sào chè.

Theo chị Hương, để có thể có thu nhập cao từ nghề trồng chè thì gia đình chị cần đầu tư mở rộng kinh doanh, nhất là đầu tư nâng cao chất lượng chè và hình thức mẫu mã sản phẩm. Chị ước tính, gia đình cần khoảng 150 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất, nhưng mức vay theo QĐ 31 chỉ có 30 triệu đồng, cộng cả tiền tích lũy của gia đình cũng chẳng thấm vào đâu. Vì thế, tại thời điểm 2012, từ 3 sào trồng chè, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị chỉ thu được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, cũng chỉ mới bảo đảm không rơi vào danh sách hộ cận nghèo của xóm.

Gia đình chị Hương là một trong hàng triệu hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay theo QĐ 31, với hạn mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, tính đến hết năm 2015 đã có hơn 1,8 triệu lượt hộ vay vốn theo QĐ 31, doanh số cho vay đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng, với dư nợ gần 15.400 tỷ đồng.

Theo khảo sát của NHCSXH Việt Nam, đại đa số các hộ vay vốn đều có nhu cầu vay hạn mức cao hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các Bộ, ngành liên quan, ngày 26/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 306/QĐ-TTg, trong đó nâng mức cho vay theo QĐ 31 lên 50 triêu đồng/hộ. Mức cho vay theo QĐ 92 cũng được nâng lên 50 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 307/QĐ-TTg, cũng trong ngày 26/2/2016. Sau 5 năm (2016 – 2021) thực hiện điều chỉnh mức vay, tính đến 31/12/2021, tổng doanh số cho vay theo QĐ 31 đạt trên 84 nghìn tỷ đồng; tổng doanh số cho vay theo QĐ 92 đạt trên 1,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính tại văn bản số 6166/BTC-TCNH ngày 21/6/2022, dù đã được điều chỉnh nhưng mức vay theo QĐ 31 và QĐ 92 chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Mức vay hiện hành của QĐ 31 và QĐ 92 mới chỉ bằng ½ mức vay của Chương trình cho vay hộ nghèo nên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng mở rộng quy mô của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại ở vùng khó khăn; đó là chưa tính biến động giá cả thị trường tăng lên hằng năm.

Mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)
Mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)

“Nới” trần hạn mức tín dụng

Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng hạn mức cho vay theo QĐ 31 và QĐ 92. Theo dự thảo sửa đổi QĐ 31 và QĐ 92 đang được Bộ này lấy ý kiến thì dự kiến, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. Với một số trường hợp, căn cứ vào nhu cầu và khả năng trả nợ của hộ gia đình, NHCSXH có thể cho vay mức cao hơn 100 triệu đồng/hộ, tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ.

Đối với QĐ 92, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức vay lên 100 triệu đồng/trường hợp thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán; còn với thương nhân là cá nhân thực hiện chế độ kế toán được vay tối đa 200 triệu đồng. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất, đối với thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, hoạt động thương mại ở vùng khó khăn được vay tối đa 1 tỷ đồng theo QĐ 92 (quy định hiện hành là 500 triệu đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đề xuất nâng mức vay theo QĐ 31 và QĐ 92 nhằm đáp ứng nguyện vọng phát triển sản xuất, kinh doanh của Nhân dân ở vùng khó khăn. Đồng thời, việc nâng mức cho vay của 02 chương trình tín dụng này là nhằm thực hiện chủ trương được đưa ra trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/20291.

Hơn nữa, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong quá trình lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định, hầu hết các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương đều đề nghị điều chỉnh nâng mức cho vay của các chính sách tín dụng so với mức trần hiện nay.

Căn cứ vào nhu cầu và khả năng trả nợ của hộ gia đình, NHCSXH có thể cho vay mức cao hơn 100 triệu đồng/hộ, tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ theo dự thảo sửa đổi QĐ 31 của Bộ Tài chính (Ảnh minh họa)
Căn cứ vào nhu cầu và khả năng trả nợ của hộ gia đình, NHCSXH có thể cho vay mức cao hơn 100 triệu đồng/hộ, tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ theo dự thảo sửa đổi QĐ 31 của Bộ Tài chính (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 4/2022, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp với NHNN và đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan để cho ý kiến về dự thảo nghị định này. Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đề xuất nâng mức cho vay với các đối tượng được thụ hưởng chính sách là người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Bộ Tài chính, vốn tín dụng chính sách theo QĐ 31 và QĐ 92 đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân đầu tư, phát triển kinh tế ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, dư nợ bình quân hiên còn thấp; trong đó, dư nợ bình quân theo QĐ 31 chỉ mới đạt 39 triệu đồng/hộ, theo QĐ 92 là 46 triệu đồng/hộ. Trong khi mức vay hiện hành của 02 chương trình này tối thiểu là 50 triệu đồng/hộ.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, Nghị quyết số 88/2019/QH14 đặt ra yêu cầu đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS. Vì thế, NHNN đề nghị Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về viêc cho phép nâng mức cho vay theo đề nghị của các cơ quan và NHCSXH để đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách.

Nêu quan điểm về việc tạo điều kiện cho đồng bào DTTS&MN ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh đồng thuận với việc nâng mức cho vay ở NHCSXH. Tuy nhiên, theo ông Anh, mức cho vay phụ thuộc vào từng vùng miền, địa phương và phù hợp với tình hình chung của sự phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn nhưng phải cố gắng đẩy nhanh thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đến với người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với nâng mức cho vay, Bộ Tài chính đề xuất giảm lãi suất và sửa đổi điều kiện bảo đảm vốn vay cũng như quy định xử lý rủi ro tín dụng. Những sửa đổi này là nhằm giúp các hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân ở vùng khó khăn thuận lợi trong tiếp cận chính sách, đồng thời tạo hành lang pháp lý để bảo toàn dòng vốn tín dụng. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.