Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ

Văn Phong - 05:24, 12/12/2023

Thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi; truyền thông pháp luật, các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái…

Hội nghị “Lắng nghe phụ nữ nói” do Hội LHPN huyện Mường Nhé tổ chức
Hội nghị “Lắng nghe phụ nữ nói” do Hội LHPN huyện Mường Nhé tổ chức

Huyện biên giới Mường Nhé, vùng đất ngã ba biên (Việt – Lào – Trung) của tỉnh Điện Biên. Với đặc thù 100% dân số là đồng bào DTTS, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Từ năm 2022, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG 1719, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tập huấn, đào tạo, Hội LHPN huyện Mường Nhé đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi; truyền thông pháp luật, các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái.

Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ hội phụ nữ, sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền các xã, đến cuối tháng 8/2023, Hội LHPN huyện đã triển khai và đạt nhiều kết quả trong tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết: Triển khai thực hiện Dự án 8, các cấp hội LHPN trên địa bàn huyện tập trung xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi cộng đồng tại các xã. Mường Nhé là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng tại các xã trên địa bàn. Mục đích của Tổ truyền thông cộng đồng là tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Tổ truyền thông công cộng xã Sen Thượng trao đổi kinh nghiệm hoạt động
Tổ truyền thông công cộng xã Sen Thượng trao đổi kinh nghiệm hoạt động

Số lượng thành viên của Tổ từ 7 - 10 người là Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn, Chi Hội trưởng Phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương, Người có uy tín trong cộng đồng… Ban điều hành Tổ truyền thông cộng đồng tối đa 3 người tiêu biểu trong số các thành viên của Tổ, do Hội LHPN xã đề xuất.

Tổ truyền thông cộng đồng lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn/bản nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã là đối tượng truyền thông và phải đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông.

Trước đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng cho đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, cán bộ thôn, bản dự kiến thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng trong năm 2023.

Tại các buổi tập huấn, các đại biểu đã được tiếp thu 5 nội dung: Quy trình thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng, kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, kỹ năng truyền thông nhóm nhỏ, kỹ năng viết tin cho phát thanh, kỹ năng viết tin bài và cùng nhau thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại đơn vị. Từ đó thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm trong triển khai các hoạt động của dự án tại địa phương, đơn vị mình..

Đến nay, Hội LHPN huyện Mường Nhé đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng cho 174 cán bộ, hội viên; tổ chức 21 buổi truyền thông xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, từng bước đẩy lùi tập tục văn hoá lạc hậu ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em cho 1.853 người tham gia.

Tại xã Sín Thầu, vừa qua, Hội LHPN xã đã thành lập và tổ chức ra mắt 2 Tổ truyền thông cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ và bản Pờ Nhù Khò. Ðây là 2 Tổ truyền thông cộng đồng đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Bà Pờ Mỳ Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Sín Thầu cho biết: “Tổ truyền thông cộng đồng là mô hình mới thành lập, để đánh giá hiệu quả cần phải có một thời gian hoạt động. Thế nhưng, tôi cho rằng đây là mô hình phù hợp với xã Sín Thầu vì có nhiều nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Ngay tại buổi truyền thông mẫu, nhiều vấn đề về bất bình đẳng giới được tuyên truyền tới không chỉ phụ nữ mà cả nam giới của xã. Những vấn đề phân biệt giữa nam và nữ, như: Sinh con trai, con gái; phụ nữ làm việc nhà, tham gia công tác xã hội, được học hành… cũng được tuyên truyền”, bà Pờ Mỳ Nụ cho biết thêm.

Hội viên phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động truyền thông
Hội viên phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động truyền thông

Đến nay, toàn huyện Mường Nhé đã thành lập được 22 Tổ truyền thông cộng đồng với 217 thành viên tham gia (trong đó có 70 thành viên là nữ). Các Tổ truyền thông cộng đồng cùng Hội Phụ nữ 100% xã trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Qua khảo sát, toàn huyện Mường Nhé có 43 phụ nữ đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại địa bàn có đông người DTTS. Hiện đã có 7 phụ nữ được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Ngoài các hoạt động truyền thông, vận động bình đẳng giới, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện còn tổ chức nhiều hoạt động, mô hình thiết thực thể hiện rõ việc thực thi đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như xây dựng mô hình "5 không, 3 sạch" và thành lập một số câu lạc bộ "Phụ nữ phát triển kinh tế", "phụ nữ DTTS điển hình"... Ðồng thời, các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng thôn, bản không tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự được đẩy mạnh, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong mọi hoạt động và đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.