Chị Nguyễn Thu Cúc ở bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ được biết đến là người giỏi làm kinh tế nhờ kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm, thức ăn chăn nuôi, vừa kết hợp chăn nuôi lợn. Với thiết kế mô hình chăn nuôi chuồng trại hiện đại, khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chị Cúc cho biết, trước đây thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào nương ngô, ít ruộng cấy vừa đủ ăn. Bắt đầu từ năm 2018, chị nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chuyển sang chăn nuôi lợn thịt. Chị Cúc bày tỏ, trước đây lợn giống phải nhập từ thành phố vào, do vận chuyển xa, nhiều lúc không bắt được, hoặc bắt về nhiều con bị chết. Do đó, chị đã nhen nhóm nuôi lợn giống với suy nghĩ, tại sao người dân ở Điện Biên có thể nuôi và nhân giống được mà mình lại không làm được, trong khi đó, chuồng trại, cách chăm của họ cũng làm như mình.
Bằng tinh thần ham học hỏi, ý chí phải làm bằng được, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chị đã nuôi thành công lứa lợn đầu tiên với 6 con nái. Giờ đây, mô hình nuôi lợn nái sinh sản của gia đình chị mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 150 - 200 con lợn giống.
Từ thành công của mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của chị Cúc, nhiều chị em cùng bản và các bản lân cận trong xã Si Pa Phìn đã tìm đến học hỏi và làm theo. Nhận thấy phần lớn chị em chưa có kinh nghiệm và vốn ban đầu. Với vai trò là Chi hội phó Hội Phụ nữ bản, vừa sẵn kinh nghiệm, chị Cúc đã vận động, hướng dẫn các chị em cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc lợn và chia sẻ lợn giống.
Với những chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị Cúc sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ vốn ban đầu từ vật liệu xây chuồng, lợn giống, thức ăn chăn nuôi cũng như kinh nghiệm chăm sóc cho đến khi xuất bán lợn, lúc đó mới hoàn lại vốn cho chị. Vì thế mà ở bản Tân Lập, nơi chị Cúc sinh sống, trước đây có 70% hội viên phụ nữ thuộc diện nghèo, nhờ được chị Cúc hướng dẫn, giúp đỡ, đến nay chỉ còn vài hộ nghèo.
Chị Vàng Thị Tuyết, bản Tân Lập là một trong số đó. Chị Tuyết kể: Nhiều năm nay chị cứ loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, nhưng là hộ nghèo vốn ít, đầu tư nuôi con gì, trồng cây gì đều không có kiến thức và kinh nghiệm nên không đem lại hiệu quả. Ở cùng bản, trực tiếp dõi theo những thành quả từ mô hình của chị Cúc, chị đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ chính từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp của chị Cúc, chị đã nuôi lợn thành công và đã có những lứa lợn trong chuồng lần lượt được xuất bán ra thị trường.
Chị Tuyết phấn khởi cho biết, gia đình không có nhiều ruộng đất đề trồng trọt. Trước có đi làm thuê ở ngoài Điện Biên, nhưng còn hai đứa con đang tuổi ăn học, cần có người lớn chăm sóc. Nhờ chị Cúc hỗ trợ từ con giống, hướng dẫn chăm sóc và thức ăn chăn nuôi, đến khi đàn lợn xuất chuồng mới trả lại gốc cho chị. Mà gia đình tôi đã cơ hội, thay đổi cuộc sống.
Tương tự, trước đây, gia đình chị Lò Thị Thiêu chăn nuôi theo hình thức truyền thống, nuôi giống lợn bản địa nhưng không mang lại hiệu quả. Được chị Cúc hướng dẫn cách xây chuồng, chăm sóc lợn. Đến nay, chị Thiêu đã có nhiều lứa lợn bán ra thị trường và thoát khỏi diện hộ nghèo của bản.
“Từ khi chuyển sang nuôi lợn theo mô hình khép kín, giờ trong chuồng lúc nào cũng có 30-50 con lợn thịt, mỗi lứa xuất bán đi, trừ các chi phí cũng lãi trên dưới 20 triệu đồng”, chị Lò Thị Thiêu phấn khởi thông tin.
Chị Giàng Thị Dì, Chủ tịch Hội LHPN xã Si Pa Phìn cho biết: Si Pa Phìn là xã biên giới tiếp giáp nước CHDCND Lào, có diện tích 12.957,23ha; có 5.827 nhân khẩu, trong đó hơn 90% dân số là người DTTS.Thách thức lớn nhất đối với xã Si Pa Phìn là về thu nhập và hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 chỉ đạt 12,96 triệu đồng.
Những năm qua Si Pa Phìn cũng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành từ huyện đến tỉnh. Ðặc biệt là trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về chính sách dân tộc. Theo đó, các tổ chức chính trị, đoàn thể...thông qua nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đã đoàn kết, nỗ lực tuyên truyền, vận động Nhân dân, hội viên phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo từng bước cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí.
Hội LHPN xã Si Pa Phìn có 921 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội. Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Si Pa Phìn đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hội viên nghèo.
Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của mỗi hội viên, người dân. Qua đó, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Điển hình là chị Nguyễn Thị Cúc, Lò Thị Tuyết, Lò Thị Thiêu ở bản Tân Lập; Chớ Thị Chá, bản Nậm Chim 1, chị Điêu Thị Hom, bản Chiềng Nưa… Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Si Pa Phìn năm 2022 giảm xuống còn 39,90%. Năm 2023, dự kiến giảm thêm từ 5 - 6%.
Có thể nói, bằng sự tâm huyết, tinh thần tương thân, tương ái, những phụ nữ DTTS đã cùng nhau đoàn kết vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, góp phần xây dựng xã biên giới Si Pa Phìn ổn định về kinh tế, để Nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.