Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thấy gì từ lực lượng giữ rừng ở Kon Tum: "Giữ chân" người bảo vệ rừng bằng cơ chế chính sách phù hợp (Bài 2)

Ngọc Chí - 14:40, 25/05/2024

Trước thực trạng hàng trăm cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc bởi lý do áp lực công việc, lương thấp, không đảm bảo cuộc sống, tỉnh Kon Tum đã có nhiều kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương sớm có những chính sách phù hợp, ưu đãi để người làm công tác bảo vệ rừng an tâm công tác, gắn bó với rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với người dân tuần tra bảo vệ rừng
Lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với người dân tuần tra bảo vệ rừng

Giảm tải về công việc

Trên thực tế hiện nay, nhiều người yêu nghề, yêu rừng vẫn không quản ngại vất vả, hy sinh để bảo vệ cho những cánh rừng mãi thêm xanh. Tuy nhiên, con số 403 người ở tỉnh Kon Tum xin nghỉ việc, chuyển công tác trong những năm qua, là một thực trạng đáng báo động. Nếu không có những chính sách phù hợp bảo vệ, nâng cao thu nhập cho người quản lý bảo vệ rừng, rất có thế tình trạng người xin nghỉ việc sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới. Bởi, lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, tại các chốt, trạm, thường xuyên xa gia đình, không có ngày lễ, ngày tết được nghỉ trọn vẹn.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Đơn vị được giao quản lý bảo vệ hơn 56.000 ha rừng đặc dụng, theo quy định tại Nghị định 117/2010/NĐ- CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc, quy định định mức bình quân 500 ha/biên chế bảo vệ rừng. Theo quy định này thì lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị, phải là 113 biên chế. 

Nhưng hiện nay, đơn vị được UBND tỉnh giao 63 biên chế. Như vậy, lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu rất nhiều, vì vậy, lực lượng bảo vệ rừng thực hiện nhiệm vụ quá tải, một người phải đảm đương diện tích gấp 3 lần định mức quy định, do đó, áp lực và trách nhiệm trong công việc rất lớn.

Lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu rất nhiều, nên một người phải quản lý diện tích gấp 3 lần định mức quy định
Lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu rất nhiều, nên một người phải quản lý diện tích gấp 3 lần định mức quy định

Cùng với đó, các trạm quản lý bảo vệ rừng nằm sâu trong rừng, đường sá đi lại khó khăn, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Địa bàn quản lý rộng, phải đi tuần tra rừng, luôn có nguy cơ cao bị rủi ro tai nạn lao động, thường xuyên đối mặt với lâm tặc, các đối tượng rất manh động, chống đối, sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng.

Ông Trần Ngọc Thanh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi cho biết: Đối với lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, họ làm việc 24h/ngày và 7 ngày/tuần trong rừng. Ngoài mức lương ra thì chế độ chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, chưa thỏa mãn với công sức bỏ ra, chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu của người thực hiện nhiệm vụ, không đáp ứng cho gia đình, nên họ chưa thực sự an tâm công tác.

Có chính sách đãi ngộ phù hợp

Để giữ chân lực lượng bảo vệ rừng, Nhà nước và các cấp có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo công việc bảo vệ rừng là một ngành nghề đặc thù. Từ đó, có chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù riêng về tiền lương và các khoản phụ cấp khác để hỗ trợ tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện, Chi cục Kiểm lâm tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng Kiểm lâm nói riêng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung.

 Đặc biệt, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mong muốn, các cấp chú trọng quan tâm đến công tác thi, xét nâng ngạch cho những trường hợp đủ điều kiện để động viên, khích lệ cho lực lượng bảo vệ rừng tại gốc; bổ sung quy định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì được công nhận liệt sĩ.

Bữa cơm đạm bạc của lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng
Bữa cơm đạm bạc của lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng

Thực trạng đời sống của lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp rất nhiều khó khăn, ngoài đồng lương ít ỏi, thì họ không có thời gian để làm thêm việc gì khác để có thêm thu nhập. Do đó, để người lao động yên tâm bảo vệ rừng, họ mong rằng các cấp có thẩm quyền đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách mới đặc thù, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng nâng cao thu nhập, tạo động lực cho họ yên tâm công tác và cống hiến, góp phần gìn giữ cho những cánh rừng mãi xanh…

Anh Lê Văn Nghĩa, nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ: Mỗi anh em thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần, diện tích được giao đều phải thay nhau trực 24/24h. Chúng tôi mong Nhà nước và các cấp quan tâm có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để ổn định cuộc sống và yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Ngoài việc kiến nghị với Chính phủ, tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án: Khoán rừng và đất lâm nghiệp, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước..., để cán bộ, công nhân viên nhận khoán phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, gắn bó với diện tích rừng, đất rừng nhận khoán và yên tâm công tác.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đã có mưa to đến rất to, gây lũ quét, lũ ống, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện hai địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.