Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Thấy gì từ nguồn nhân lực người DTTS sau đào tạo: Những giải pháp căn cơ (Bài 3)

Tiêu Dao - Ngọc Lê - 11:48, 18/11/2023

Giải pháp cơ bản nhất để tránh lãng phí nguồn nhân lực DTTS sau đào tạo là cần có sự định hướng, chọn lọc ngành nghề, gắn với nhu cầu thực tế việc làm tại các địa phương.


(CĐ Ban điện tử -đã BT) Nguồn nhân lực DTTS sau đào tạo: Những giải pháp căn cơ (Bài 3)
Để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là người DTTS, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phát triển nguồn nhân lực là người DTTS . Ảnh: minh họa

Ý kiến người trong cuộc

Học xong không tận dụng được kiến thức và kỹ năng của mình là nỗi niềm của nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) người DTTS. Em Yii Dap (người Rơ Măm, Kon Tum) chia sẻ: Đối với những sinh viên người DTTS, mặc dù học đại học, cao đẳng hệ chính quy, thi vào trường đã khó, nhưng khi ra trường thì “cánh cửa” xin việc lại càng hẹp hơn. Với nhiều ngành học khó có thể cạnh tranh với các sinh viên khác hoặc các địa phương không có nhu cầu thì rất khó để có được công việc phù hợp. Trong khi nhiều công việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước cũng rất khó được tuyển dụng vì yêu cầu hiện nay là cán bộ, công chức phải tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành. 

Tương tự, em Võ Nguyên, người Sơ Rá - một nhánh thuộc dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum) hiện đang là sinh viên trường Đại học Ngoại Thương cơ sở phía Nam cũng bộc bạch: Các  địa phương, các đơn vị cần thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm dành cho thanh niên, sinh viên DTTS. Sinh viên DTTS rất cần được cung cấp thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm. Đặc biệt, là tư vấn, định hướng nghề nghiệp.  Với những sinh viên sau khi được đào tạo cần có nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Từ đó, các HSSV người DTTS có nhiều cơ hội việc làm, tự mình khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Về nỗi lo lắng lãng phí nguồn nhân lực DTTS sau đào tạo, trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Bố trí việc làm cho sinh viên DTTS tốt nghiệp rất khó khăn. Tồn tại này diễn ra từ nhiều năm nay khiến cho số lượng sinh viên DTTS tốt nghiệp ngày càng dư thừa và gây tồn đọng rất lớn. Nguyên nhân một phần do vấn đề định hướng, hướng nghiệp cho HSSV từ trên ghế nhà trường chưa phù hợp. Chất lượng đào tạo sinh viên DTTS chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. 

Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng chia sẻ thêm: Nên chăng, cần tập trung định hướng nghề nghiệp cho HSSV. Đồng thời, quan tâm đến các vấn đề liên quan tới kinh tế bản địa, văn hóa bản địa, và từ đó có những kế hoạch, chính sách đào tạo phù hợp. Đơn cử như có nhiều sinh viên người Dao khi định hướng tốt nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đã trở về quê hương phát triển kinh tế bản địa và có thu nhập rất tốt, tạo thêm việc làm cho nhiều người khác. Hoặc nhiều sinh viên đã tận dụng tốt văn hóa bản địa để tự phát triển năng lực bản thân, tự tạo việc làm và thu nhập bằng cách trở thành các hướng dẫn viên du lịch, tham gia vào các công ty du lịch lữ hành các vùng miền núi. 

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để không lãng phí nguồn nhân lực DTTS sau đào tạo
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để không lãng phí nguồn nhân lực DTTS sau đào tạo. Ảnh: minh họa

Cần những giải pháp thực tế của từng địa phương

Trước thực trạng nguồn nhân lực người DTTS sau đào tạo thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề đang có xu hướng gia tăng. Nhiều địa phương căn cứ trên tình hình thực tế đã đưa ra những giải pháp “chữa cháy”. Điển hình như tại Lào Cai, cũng đưa ra giải pháp trước mắt vẫn là ưu tiên các vị trí tuyển dụng, nhưng hiện tại rất khó khăn về số lượng biên chế. Một số ý kiến nêu lên rằng, tăng cường vận động số cán bộ xã cao tuổi, hết thời gian đào tạo bồi dưỡng nghỉ hưu trước thời hạn (có hưởng kinh phí) thì sẽ tạo điều kiện để tuyển dụng lực lượng con em các DTTS. Đây cũng là giải pháp để giải quyết việc làm cho con em DTTS sau đào tạo ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đưa ra giải pháp là tiếp tục bố trí một số sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp vào làm cán bộ không chuyên trách tại cơ sở có hưởng phụ cấp, hoặc bố trí vào làm tại một số dự án tại địa phương. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó khăn vì người được bố trí công việc cũng không “mặn mà” với công việc do mức phụ cấp quá thấp và không đúng chuyên ngành dào tạo…

Tại tỉnh Quảng Ngãi, việc đề xuất chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế đối với vị trí việc làm là công chức; nhu cầu công việc, vị trí việc làm, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc bố trí việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp diện cử tuyển không thông qua hình thức thi tuyển công chức, viên chức mà căn cứ vào số lượng biên chế để làm cơ sở bố trí sinh viên đi học cử tuyển để làm cơ sở sau khi ra trường tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp.

Có thể thấy, để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là người DTTS, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phát triển nguồn nhân lực là người DTTS ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là người DTTS. Đồng thời cần sự chủ động, sáng tạo của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn nhân lực DTTS. Thường xuyên quan tâm tới công tác đào tạo, đặt hàng các đơn vị đào tạo, thống nhất trong việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực người DTTS. 

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp thực hiện tốt công tác bố trí, đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS. Đối với sinh viên là người DTTS được đào tạo theo hệ cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước, sau khi hoàn thành khóa học cần sắp xếp, bố trí việc làm kịp thời, hợp lý đúng chuyên môn đào tạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo lại cán bộ cơ sở là người DTTS nhằm bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong tình hình mới. 

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, chính sách này cùng với các giải pháp căn cơ sẽ được thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về vấn đề giải quyết việc làm lực lượng lao động người DTTS sau khi tốt nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.