Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Thấy gì từ những dự án di dân khẩn cấp bị thu hồi vốn do chậm tiến độ?

Mạnh Hà - 08:38, 24/08/2024

Trong khi hàng loạt địa phương miền núi trên cả nước gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí để triển khai các dự án di dân khẩn cấp trước mùa mưa lũ thì tại Quảng Trị, có tới hai dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở được Trung ương cấp vốn để triển khai, nhưng chậm thực hiện dẫn đến vốn bị thu hồi. Hệ quả là các dự án mang tính khẩn cấp lâm vào tình trạng dang dở, còn người dân thì nơm nớp lo sợ, không biết thiên tai ập đến bất cứ lúc nào.

Từ đầu năm tới nay, tổng số người chết và mất tích do mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã lên đến 113 người.
Từ đầu năm tới nay, tổng số người chết và mất tích do mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã lên đến 113 người

Cụ thể, thứ nhất là Dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cuối tháng 3/2023, với tổng mức đầu tư 16,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là đầu tư một khu định canh, định cư đồng bộ mạng lưới hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm di dời các hộ dân ở vùng lũ ống, lũ quét, nguy hiểm ở thôn 37, thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì đến sinh sống ổn định. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định trong vùng dự án là 48 hộ. Thời hạn giải ngân vốn của dự án là ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, đến thời hạn này, dự án chỉ giải ngân vốn đạt trên 12% kế hoạch.

Thứ 2 là Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tháng 6/2023, với tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là ổn định và nâng cao đời sống người dân tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; bố trí ổn định dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân khi có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại xã gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Dự án sau khi triển khai và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân; thực hiện các giải pháp về đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất, huy động nguồn vốn đầu tư, tổ chức phát triển sản xuất, đảm bảo thoát nghèo bền vững; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng phát triển nông thôn mới. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trong vùng dự án là 50 hộ. Tuy nhiên, đến hạn giải ngân hết nguồn vốn ngày 31/12/2023, dự án cũng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân trên 27% kế hoạch.

Cả hai dự án này đều sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022, theo Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân khiến các dự án trên triển khai bị chậm là do nhiều khó khăn vướng mắc như thủ tục lập, thẩm định phê duyệt phải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, trải qua đầy đủ các bước như một dự án bình thường, không có ưu tiên dành riêng cho dự án khẩn cấp.

Làm thế nào để các dự án mang tính khẩn cấp không còn lâm vào tình trạng dang dở là trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương và ngành chức năng
Làm thế nào để các dự án mang tính khẩn cấp không còn lâm vào tình trạng dang dở là trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương và ngành chức năng

Được biết, ngày 19/8/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị có báo cáo số 393/BC-SNN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về hai dự án này; trong đó nêu rõ, hiện nay Trung ương đã thu hồi vốn của hai dự án. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, để hai dự án tiếp tục được triển khai và hoàn thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai, Sở kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương xem xét tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn cho địa phương thực hiện…

Nhìn nhận về sự việc này thấy rằng, bản thân chính tên gọi “các dự án di dân khẩn cấp” khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm đã nói lên mức độ cấp thiết của vấn đề. Thế nhưng rõ ràng dù đã được Trung ương bố trí vốn từ cuối năm 2022 nhưng các địa phương, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị vẫn không thể triển khai dự án dẫn tới việc chậm tiến độ, thu hồi vốn. Đây thực sự là điều vô cùng đáng trách và đáng suy ngẫm.

Bở lẽ, theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai. Tổng số người chết và mất tích do mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã lên đến 113 người. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là thiệt hại vô cùng lớn về tính mạng, chưa tính tới tài sản của người dân.

Vậy nên, làm thế nào để các dự án mang tính khẩn cấp không còn lâm vào tình trạng dang dở, giúp người dân thoát cảnh mòn mỏi sống trong thấp thỏm lo sợ về tính mạng, tài sản trước thiên tai không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm của những người có trách nhiệm triển khai các dự án khẩn cấp nói trên, không riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.