Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thổ cẩm và chuyển đổi số

Quỳnh Hoa - 10:46, 05/01/2023

Thời gian qua, việc Livestream bán hàng Online của các chị em HTX thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang đã được chú trọng. Từ những buổi bán hàng như thế này, những sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn ngày càng đến gần hơn với khách hàng, tăng gấp 2 lần lợi nhuận so với cách bán hàng truyền thống.

  

Chị Tải Thị Mai thường xuyên ghi hình trực tiếp để quảng bá các sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn đến với đông đảo mọi người qua mạng xã hội
Chị Tải Thị Mai thường xuyên ghi hình trực tiếp để quảng bá các sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn đến với đông đảo mọi người qua mạng xã hội

Chị Tải Thị Mai, HTX dệt thổ cẩm Tân Bắc cho biết: “Để quảng bá cho khách hàng biết về sản phẩm của mình, chúng tôi đã đăng tải các sản phẩm lên Zalo, Facebook và Website. Từ các hoạt động quảng bá đó, các sản phẩm thổ cẩm của chúng tôi đã được lan rộng không chỉ trong tỉnh, trong nước mà có nhiều khách hàng ở nước ngoài biết đến”.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, dù là mua hàng qua mạng thì chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, chị Mai thường xuyên ghi hình trực tiếp các công đoạn sản xuất ra sản phẩm thêu dệt của các thành viên trong HTX, giúp cho khách mua lựa chọn được những mặt hàng ưng ý nhất. Mỗi một sản phẩm nơi đây không những đảm bảo tính ứng dụng, thẩm mỹ mà còn chứa đựng câu chuyện nhân văn ý nghĩa mang thông điệp cuộc sống. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm đều được đánh mã vạch, đều có tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.

Chị Tải Thị Mai đang phát Livestream giới thiệu công đoạn dệt ra sản phẩm thổ cẩm
Chị Tải Thị Mai đang phát Livestream giới thiệu công đoạn dệt ra sản phẩm thổ cẩm

Các thành viên HTX thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc luôn chia sẻ, giúp nhau trong việc nâng cao khả năng sử dụng Internet để giới thiệu và bán sản phẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. HTX cũng đã tạo trang web HTX thổ cẩm Pà thẻn Tân Bắc để giới thiệu được đa dạng hoá các loại hình sản phẩm một cách chân thực nhất.

Chị Phù Thị Quyên, thành viên HTX dệt thổ cẩm Tân Bắc chia sẻ: “Từ khi bán hàng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi được nhiều người biết đến hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian để sản xuất thêm các mặt hàng thổ cẩm. Qua đó doanh thu cũng được tăng lên, tạo công ăn việc làm cho các chị em tại địa bàn”.

Bên cạnh đó, thông qua trang Fanpage “Nhóm tiên phong vì tiếng nói của dân tộc thiểu số”, các thành viên HTX Pà Thẻn cũng tích cực tương tác để chia sẻ những câu chuyện về nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến cộng đồng mạng. Những câu chuyện về ý nghĩa của những mẫu mã hoa văn, màu sắc được thêu tay trên các sản phẩm vật dụng hàng ngày như: Quần áo, trang phục truyền thống của người Pà Thẻn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, gian hàng trưng bày đã thu hút được trên 1 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn khi đặt chân đến xã Tân Bắc, huyện Quang Bình.

Ông Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc, Quang Bình chia sẻ: “Trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng tầm các giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.”

Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, UBND huyện Quang Bình đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từng bước ứng dụng hiệu quả công nghệ chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức làm việc và các hoạt động chuyên môn phù hợp với mục tiêu, thách thức thực tế đặt ra.

Chị Tải Thị Mai giới thiệu cho mọi người về các sản phẩm thổ cẩm thông qua các nền tảng Zalo Facebook
Chị Tải Thị Mai giới thiệu cho mọi người về các sản phẩm thổ cẩm thông qua các nền tảng Zalo Facebook

Thổ cẩm của người Pà Thẻn là sản phẩm không thể thiếu trong ngày hôn lễ của các đôi uyên ương ở vùng cao Tân Bắc hay trong các lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn. Nhưng hôm nay, nhờ chuyển đổi số thành công, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào không còn chỉ khoe sắc tại bản làng, nương đồi mà còn vươn xa hơn đến mọi miền để nhiều người biết đến bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn. Và cũng để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người thợ dệt ở vùng cao, từ đó đồng bào tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc hoa văn trên nền thổ cẩm của dân tộc mình. 

Tin cùng chuyên mục
Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Dân tộc Mông ở Cao Bằng chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, gồm 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Hiện nay, đồng bào Mông ở Cao Bằng luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc...