Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Thoát nghèo từ những mô hình kinh tế bền vững

Nhật Minh - 06:48, 19/12/2023

Thời gian qua, nhờ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... từ đó ổn định đời sống.

Đàn gà hộ anh Quang Văn Trung tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong
Đàn gà hộ anh Quang Văn Trung tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong

Tỉnh Nghệ An có 12/21 huyện, thị xã miền núi, trong đó có 252 xã, thị trấn miền núi đặc biệt có tới 107 xã và 1.188 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn; 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài biên giới là 468 km. Trong đó, Quế Phong là một huyện miền núi với phần đông người dân là đồng bào DTTS. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn do việc tiếp cận với bên ngoài ít, cơ sở vật chất hạ tầng còn yếu kém, giao thông đi lại chưa thuận tiện.

Xã Hạnh Dịch là xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong với 99,3% là đồng bào DTTS. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hơn nữa tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao. Nhờ Chương trình MTQG 1719, các hộ dân nơi đây đã được hướng dẫn, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, kiến thức canh tác để thay đổi mô hình sản xuất. 

Gia đình ông Vi Văn Thái ở bản Hạnh Tiến sau khi được hỗ trợ giống dưa chuột và đậu cô-ve, gia đình ông đã có thu nhập thêm 5-7 triệu đồng/vụ thu hoạch. Còn gia đình ông Ngầm (bản Long Thắng) sau khi được hướng dẫn và hỗ trợ 20kg cá giống cùng 50 con vịt bầu, gia đình ông đã xây dựng ao, chuồng để chăn nuôi. Nhìn thấy đàn cá, vịt lớn nhanh, gia đình ông Ngầm không khỏi mừng vui vì đã có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Hay như gia đình anh Quang Văn Trung, bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền gia đình anh đã tiếp cận với mô hình chăn nuôi gà bản địa. Sau một thời gian thấy mô hình sản xuất hiệu quả, anh Trung tiếp tục mở rộng quy mô và nuôi thêm gà ấp trứng để cung cấp giống ra thị trường. Hiện tại, trang trại của gia đình anh đã có đến 500 con gà thịt bản địa và 1.000 gà ấp trứng. Tận dụng lợi thế về diện tích vườn chăn thả, anh Trung trồng lá quế để giảm mùi hôi đồng thời đun nước cho gà uống hằng ngày.

Nhờ những mô hình chăn nuôi hiệu quả, các gia đình DTTS trong bản đã tiếp tục tận dụng lợi thế sẵn có, sức lao động và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống. Những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình chăn nuôi đều được cán bộ hỗ trợ nhiệt tình.

Huyện Tương Dương là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ơ Đu – một trong 5 dân tộc ít người nhất ở Việt Nam (khoảng 376 người). Tại các vùng có đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống, cơ sở hạ tầng kém phát triển lại có nhiều hủ tục lạc hậu. Như ở bản Văng Môn, xã Nga My có đến 50% trên tổng số 100 hộ dân người Ơ Đu là hộ nghèo. Ngoài dân tộc Ơ Đu, huyện Tương Dương còn có các DTTS khác sinh sống là: Khơ Mú, Thái, Mông, Tày...

Nhiều gia đình tại xã Yên Na, Tam Đình, Lương Minh… đã tận dụng lợi thế về nguồn nước để nuôi thả cá lồng ở lòng hồ thủy điện Khe Bố, Bản Vẽ. Nhưng vì thiếu kiến thức chăn nuôi, thiếu sự liên kết giữa các nhà nuôi nên sản lượng thấp, đầu ra bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thương lái. Nay được sự quan tâm của chính quyền, người dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi và được hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Bà Hà Thị Hương (dân tộc Thái) cho biết: Trước đây chúng tôi chỉ biết làm nương rẫy, đánh bắt cá để kiếm thu nhập thì nay đã biết nuôi các loại cá giá trị như cá lăng đen, trắm đen, cá vược… Sau khi đánh bắt, cá không chỉ được bán cho bà con trong huyện mà còn được bán tới tận dưới xuôi.

Lễ khánh thành cầu dân sinh tại bản Sơn Hà
Lễ khánh thành cầu dân sinh tại bản Sơn Hà

Không chỉ hỗ trợ người DTTS tìm ra hướng đi sản xuất phù hợp, huyện Tương Dương còn hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở. Gia đình chị Vi Thị Thăm, bản Sơn Hà, xã Tam Quang phải sống trong căn nhà lợp tạm bằng tre nứa từ nhiều năm nay. Vào những ngày mưa, căn nhà không thoát khỏi cảnh dột nát, tuy nhiên thu nhập cả gia đình chi trông chờ vào việc trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên không thể có đủ tiền sửa chữa lại căn nhà. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới kiên cố, rộng rãi chị Thăm rất vui.

Vào mùa mưa lũ, bà con DTTS sống tại xã biên giới Tam Quang gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, đi lại, buôn bán do cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Tháng 3/2023, công trình cầu dân sinh tại bản Sơn Hà đã được thi công và hoàn thành sau 5 tháng. Việc đưa vào sử dụng cầu dân sinh giúp 332 hộ dân tại bản Sơn Hà thuận tiện hơn trong sinh hoạt, giao thương và an toàn hơn trong mùa mưa lũ. Cùng với việc xây cầu dân sinh, người dân đồng bào DTTS ở huyện miền núi Tương Dương cũng rất phấn khởi bởi nhờ Chương trình MTQG 1719 mà có thêm nhiều con đường đến với dân bản...

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.