Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thoát nghèo từ trồng bí xanh theo tiêu chuẩn VietGAP

Hồng Minh - 10:21, 28/07/2020

Thời gian qua, với thu nhập cao hơn 10 lần so với nhiều cây trồng khác, cây bí xanh thơm ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực để thoát nghèo của người dân nơi đây. Bí xanh cũng là một đặc sản nằm trong chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm của địa phương.

Sản phẩm bí xanh thơm của huyện Ba Bể được giới thiệu, bày bán tại siêu thị ở Hà Nội.
Sản phẩm bí xanh thơm của huyện Ba Bể được giới thiệu, bày bán tại siêu thị ở Hà Nội.

Được thành lập năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Thanh Đức thuộc xã Địa Linh, huyện Ba Bể hiện đang có 10ha bí xanh thơm, do 7 thành viên trong HTX quản lý. Anh Nguyễn Văn Đức, Chủ nhiệm HTX cho biết, vụ năm 2020, toàn huyện Ba Bể có trên 70ha bí xanh thơm đã được thu hoạch, với sản lượng trên 3.000 tấn. Trong đó, riêng xã Địa Linh có khoảng 45ha.

“Giá bí xanh bán đầu vụ tại ruộng dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, khi được bảo quản tốt, bán ra thị trường với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha cho thu 50-70 tấn, trung bình các hộ trồng bí xanh thơm có thể đạt thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Vì vậy, đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhiều hộ dân mở rộng diện tích và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”, anh Nguyễn Văn Đức cho biết thêm.

Tương tự, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương, huyện Ba Bể cho biết: “Đây là loại cây giảm nghèo của chúng tôi, đặc biệt ở hai xã Yến Dương và Địa Linh. So với trồng lúa, trồng ngô hay các loại hoa màu khác, trái bí này đem lại giá trị cao gấp khoảng 10 lần. Vì thế, bà con rất đầu tư chăm sóc, coi nó là nguồn thu nhập chính”.

Bí xanh thơm là loại cây dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với đặc thù của cộng đồng dân cư miền núi, khó tiếp cận nhiều với khoa học, kỹ thuật, đồng thời rất dễ bảo quản, phù hợp với vận chuyển xa, tối ưu lợi nhuận cho người trồng. Hiện, các HTX và tổ hợp tác trồng cây bí xanh thơm trên địa bàn huyện Ba Bể được cấp giấy chứng nhận VietGAP đã tổ chức liên kết, cung ứng sản phẩm bí xanh cho các siêu thị lớn và các điểm giới thiệu sản phẩm nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.

Ngoài sản phẩm thô là quả, người dân Ba Bể còn chế biến ra nhiều các sản khác từ bí xanh thơm như: Mứt bí mật mía vị bạc hà, mứt bí mật mía vị gừng, bí sấy mặn ngọt chua cay… đem lại giá trị kinh tế và cơ hội việc làm cho nhiều người.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Xây dựng nông thông mới tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Khi tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, bí xanh thơm được công nhận là sản phẩm 3 sao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các vùng, các xã lân cận có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp”.

Có thể nói, trồng bí xanh thơm đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là những thành quả đáng mừng của Chương trình OCOP với cây trồng vốn được coi là hoa màu phụ trong sản xuất nông nghiệp. Với những kết quả đã và đang có được, thương hiệu bí xanh thơm Bắc Kạn hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm có tên tuổi, có thể xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài, đem lại nguồn kinh tế lâu dài, bền vững cho bà con huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.