Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Thu hoạch năng trên những cánh đồng nứt nẻ

Thảo Linh - 15:08, 21/02/2024

Mặc cho cái nóng khá gắt khi mặt trời đứng bóng, từng nhóm nông dân từ 3 - 5 người vẫn chăm chỉ, hì hục đào bới trên những thửa ruộng nứt nẻ. Từng nhát cuốc chắc nịch bổ xuống ruộng. Đôi tay thoăn thoắt bẻ từng thớ đất khô khốc để nhặt sản phẩm. Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã P’Róh (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) giải thích “bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang thu hoạch củ năng đó”.

Gia đình bà Ma Thao đang thu hoạch củ năng.
Gia đình bà Ma Thao đang thu hoạch củ năng.

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán, bà con nông dân các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho tranh thủ thời gian thu hoạch củ năng trên những thửa ruộng khô rang nứt nẻ. Mặc dù thời tiết khá oi bức, nhưng gia đình bà Ma Thao (dân tộc Chu Ru, thôn P’Róh Ngó, xã P’Róh) vẫn tranh thủ thời gian để thu hoạch xong vụ củ năng.

 Bà Ma Thao giải thích: “Nếu ruộng có nước thì thu hoạch thuận lợi hơn, còn ruộng khô như thế này, thu hoạch củ năng vất vả hơn, lại tốn nhiều công lao động. Bình quân mỗi ngày, một người thu hoạch được từ 40 đến 50 kg củ năng. So với các vụ mùa trước, thì vụ củ năng năm nay được mùa, năng suất cao hơn. Giá củ năng trên thị trường cũng ổn định nên gia đình mình phấn khởi lắm!”

Củ năng còn gọi là củ năn, mã thầy. Củ năng có thể dùng để nấu chè, chế biến trong bữa ăn, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra loại củ này còn có tác dụng đối với sức khỏe như ổn định đường huyết, cầm máu, kháng khuẩn, giải độc.

Bà Ma Thao cho biết thêm, trước đây, toàn bộ diện tích trồng củ năng này, là trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ. Năm nào được mùa thì thu về khoảng 1,4 tấn/sào, quy ra tiền khoảng 10 triệu đồng. Năm mất mùa, sâu bệnh, hạn hán thì không được là bao. Được cán bộ khuyến nông tư vấn, gia đình bà Ma Thao mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa 7 sào sang trồng củ năng. 

Từ khi xuống giống cho đến lúc thu hoạch củ năng khoảng 6 tháng, giá bán hiện tại 8 ngàn đồng/kg. Nhờ trồng và chăm sóc đúng quy trình theo hướng hữu cơ sinh học nên năng suất ruộng năng của gia đình bà Ma Thao đạt trên 4 tấn củ năng/sào. Như vậy, vụ mùa năm nay, gia đình bà Ma Thao thu về khoảng 28 tấn củ năng, quy ra tiền đạt trên 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa nước trước đây. Từ khi chuyển sang trồng củ năng, đời sống kinh tế của gia đình bà Ma Thao được nâng lên rõ rệt.

Dưới những thửa ruộng nứt nẻ là sản phẩm củ năng mang lại no ấm cho nông dân vùng đồng bào DTTS.
Dưới những thửa ruộng nứt nẻ là sản phẩm củ năng mang lại no ấm cho nông dân vùng đồng bào DTTS.

Không riêng gia đình bà Ma Thao mà hầu hết bà con người Chu Ru, Cơ Ho nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng lúa sang trồng củ năng được gần 10 năm nay. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhượng thích hợp, vốn đầu tư ban đầu như giống, phân bón thấp, đỡ tốn công chăm sóc, lại phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nông dân nên diện tích trồng củ năng ngày càng được mở rộng.

 Những năm 2014, 2015, toàn huyện Đơn Dương chỉ có khoảng vài chục ha diện tích trồng củ năng, đến nay đã phát triển được gần 300 ha, chủ yếu tập trung ở xã P’Róh. Hiện tại, đầu ra của củ năng khá thuận lợi, thương lái vào tận ruộng thu mua, hoặc nông dân sau khi thu hoạch nhập cho các vựa thu mua trên địa bàn. Thị trường tiêu thụ củ năng chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Bà Ma Thao cho biết, thu hoạch củ năng dưới chân ruộng nứt nẻ rất vất vả nhưng vụ năng năm nay cho nhiều củ nên gia đình bà có thu nhập cao hơn trồng lúa.
Bà Ma Thao cho biết, thu hoạch củ năng dưới chân ruộng nứt nẻ rất vất vả nhưng vụ năng năm nay cho nhiều củ nên gia đình bà có thu nhập cao hơn trồng lúa.

Để nâng cao năng suất và chất lượng củ năng, xã P’Róh đã thành lập một hợp tác xã và một tổ hợp tác trồng củ năng theo hướng hữu cơ. Thông qua đó, hướng dẫn người dân tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có, những phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón cho ruộng năng. Cách làm này, ngoài đảm bảo môi trường, lại tăng chất dinh dưỡng, tạo độ tơi xốp cho đất, giảm sâu bệnh, nên các ruộng năng phát triển tốt, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã P’Róh cho biết: “Có thể nói, nhờ trồng củ năng mà đời sống kinh tế của bà con đồng bào Chu Ru, Cơ Ho trên địa bàn xã được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi đang khuyến khích tất cả các nông hộ trồng củ năng theo hướng hữu cơ sinh học, nhằm đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất và đảm bảo môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sẽ thành lập các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra, giúp nông dân trồng củ năng yên tâm canh tác”.

Sản phẩm củ năng
Sản phẩm củ năng

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học mà sản phẩm củ năng tươi của xã P’Róh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên hiện nay, địa phương này chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ củ năng. Sau khi thu hoạch, bà con vẫn bán củ năng tươi nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như kỳ vọng.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương đang phối hợp với các đơn vị liên quan, tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tham gia hội chợ, kết nối tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, khuyến khích bà con người DTTS liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư và chế biết các sản phẩm từ củ năng, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm củ năng P’Róh đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.