Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thu tiền triệu mỗi ngày từ rau quả hữu cơ

Lưu Hoà - 17:55, 22/04/2023

Ở vùng cao, hiện có rất nhiều bạn trẻ ở các bản làng sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách để khởi nghiệp. Điển hình như Giàng Quáng Tiên, SN 1993, dân tộc Mông, ở xã Tà Chải, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với mô hình trồng rau, củ, quả hữu cơ kết hợp làm du lịch trải nghiệm.

Anh Giàng Quáng Tiên với ước mơ khởi nghiệp trên chính mảnh đất Cao nguyên trắng nơi anh sinh ra và lớn lên.
Anh Giàng Quáng Tiên với ước mơ khởi nghiệp trên chính mảnh đất Cao nguyên trắng nơi anh sinh ra và lớn lên.

Sau 5 năm công tác trong ngành Nông nghiệp, năm 2021, Tiên quyết định nghỉ việc, dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu, đi thực tế tham quan học tập ở các trang trại Đà Lạt, Sơn La. Từ đó, tìm hướng đi mới cho riêng mình để khởi nghiệp.

Anh chia sẻ, nhớ lại thời gian khởi nghiệp, anh gặp rất nhiều khó khăn, trong đó ý tưởng làm giàu từ trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ, kết hợp làm du lịch đã bị gia đình phản đối kịch liệt vì trên mảnh đất “Cao nguyên trắng” này chưa có mô hình nào làm như vậy. Hơn nữa, chi phí đầu tư rất tốn kém, mạo hiểm, trong khi cơ hội thành công thấp.

Nhưng với sức trẻ và quyết tâm cao, Tiên đã mạnh dạn thuê 30.000m2 đất của người dân trong thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình để thực hiện ước mơ. Tiên nhờ bố mẹ, anh em, bạn bè vay mượn ban đầu 500 triệu đồng để xây dựng khu nhà sàn trưng bày các sản phẩm nông trại, cho khách đến tham quan trải nghiệm hái rau, củ, quả và nấu ăn ngay tại nông trại; khu trồng các loại cây ăn quả như lê, mận; khu trồng các loại rau cải cầu vồng, dâu tây, cà chua. Đặc biệt anh dành hẳn 15.000m2 để trồng cải kale, loại rau mà anh đặc biệt yêu thích và lấy tên khu nông trại của anh là Kale Farm...

Được thị trường rất ưa chuộng, sản phẩm trồng đến đâu được thương lái vào tận vườn thu mua đến đó, có thời gian cao điểm, 1kg cải xoăn kale có giá tại vườn lên tới 50.000 đồng. Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, loại rau này hiện đã đem lại tiền triệu mỗi ngày cho gia đình.

Cải kale được trồng tại nông trại
Cải kale được trồng tại nông trại

Sản phẩm cải kale của Tiên được tiêu thụ phần lớn tại thị trường Lào Cai, Hà Nội, ngoài ra anh còn chế biến cải kale để làm bún, xây dựng thương hiệu bún kale Bắc Hà, bột kale uống liền, bánh bao kale, bánh quy kale, du khách đến trải nghiệm còn chụp ảnh cùng cải kale.

Ngoài ra, Tiên còn đầu tư mua giống dâu tây Pháp, giống cà chua Beef, cà chua Alamina về trồng thử nghiệm tại nông trại. Với tiêu chí không hóa chất, không thuốc tăng trưởng, sản lượng thu hoạch cà chua bình quân đạt 1 - 2,5 tấn trên vụ với giá bán từ 25 - 30 nghìn đồng/kg. Dâu tây bán với giá 200 - 250 nghìn đồng/kg. Bên cạnh trồng cây ăn quả, cải kale, anh còn trồng các loại rau khác nhau, trong đó có xà lách, cải ngọt, cải canh, bắp cải, cải bản địa...

Tiên chia sẻ: “Trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ không quá khó, chỉ cần siêng năng, chịu khó, tuân thủ theo quy trình sản xuất. Mọi công đoạn từ khâu chọn giống cây trồng, phân bón, đến đường ống dẫn nước tưới... đều được sử dụng đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm thu hoạch phải sạch, an toàn cho người sử dụng. Để đáp ứng yêu cầu này, một trong những khâu khá quan trọng đối với việc trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ là vấn đề nước sạch, phải cung cấp đầy đủ và thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, ủ phân hữu cơ theo đúng quy trình kỹ thuật để bón cho cây.

Ngoài trồng rau, củ, quả anh còn kết hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn ngay tại nông trại với mục đích nuôi gà, vịt, lợn vừa lấy nguồn phân hữu cơ, vừa tận dụng các loại lá rau bị già cho chúng ăn. Đặc biệt khi khách đến tham quan, trải nghiệm mô hình hái rau, củ, quả của anh có thể thưởng thức luôn thực phẩm sạch ngay tại chỗ. Mô hình trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ kết hợp với làm du lịch trải nghiệm của anh Tiên hiện đang được rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, hộ gia đình nông dân đến tham quan trải nghiệm và học tập.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.