Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sau lũ

Hoàng Thanh - 10:31, 20/11/2020

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và xã hội trong việc cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Để có các giải pháp đồng bộ, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất vào ngày 28/11 tới, tại Quảng Trị.

Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên bị thiệt hại nặng nề sau lũ lụt
Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên bị thiệt hại nặng nề sau lũ lụt

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh miền Trung bắt đầu khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất sau khi nước lũ rút. Việc phải làm ngay lúc này ở các địa phương là phải xử lý ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm… 

Điều này đã được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại cuộc họp của Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 17/11. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng phải được triển khai với tinh thần khẩn trương, nước rút đến đâu xử lý đến đó để bảo đảm an toàn dịch bệnh, chuẩn bị cho tái sản xuất. 

Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến ngày 13/11, căn cứ đề nghị của các địa phương bị thiệt hại do mưa bão và căn cứ tình hình thực tế, Cục đã trình Bộ xuất cấp tổng cộng 290.000 liều Vacxin các loại, 140.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và 225 tấn hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia cho 9 tỉnh miền Trung. Các địa phương đã tiếp nhận và tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các vùng cónguy cơ. Đến nay, người dân đã thực hiện vệ sinh chuồng trại: Thu gom chất độn chuồng, xử lý rác thải…

Ngổn ngang sau khi nước lũ rút
Ngổn ngang sau khi nước lũ rút

Cùng với hỗ trợ các địa phương tiêu độc, khử trùng sau khi nước rút, Bộ NN&PTNT đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng, gồm: Giống ngô, rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa bão. Đối với nuôi trồng thủy sản, Bộ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, với trị giá 71 tỷ đồng. 

Về thủy sản, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến ngày 16/11, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 9.931/38.340ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về (chiếm 2,3% tổng số ô lồng đang nuôi), 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.

Tại cuộc họp chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước mắt khu vực nông nghiệp phải đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm từ nay đến tết Nguyên đán cho người dân, không để nơi nào có người dân bị đói, thiếu nước sạch; đồng thời, các đơn vị cùng địa phương khẩn trương tập trung tạo sinh kế cho người dân. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Cục Trồng trọt phải chuẩn bị các phương án cho vụ Đông - Xuân tới để thâm canh, tăng năng suất, chất lượng để bù vào những thiệt hại vừa qua, nhất là khoảng 3.000ha sản xuất lúa bị đất đá vùi lấp cần có phương án phục hồi hoặc chuyển đổi sản xuất. Đối với thủy sản, chỗ nào tái sản xuất được thì hỗ trợ, còn chưa sản xuất được thì tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường để tránh gây thiệt hại thêm cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.