Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp

Minh Thu - 14:44, 15/05/2020

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05), các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều mô hình hay, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Các mô hình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.

Người dân bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở
Người dân bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở

Những việc làm thiết thực

Bà Cháng Thị Bựa, ở bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) sống trong ngôi lán nhỏ liêu xiêu, chắp vá, cách Đồn Biên phòng (ĐBP) Mường Nhé (BĐBP Điện Biên) chừng 4km. Từ nhiều năm qua, bà thường xuyên được nhận gạo từ “Hũ gạo tình thương” của ĐBP Mường Nhé, mỗi lần 30kg gạo. 

Lần nào cũng vậy, khi gặp Thiếu úy Vũ Ðức Toàn, cán bộ ĐBP Mường Nhé, bà Bựa cứ nắm chặt tay, xúc động. Không nói được do câm điếc bẩm sinh, bà Bựa chỉ biết thể hiện những cử chỉ, hành động như vậy để nói lên tình cảm và lời cảm ơn sâu sắc với những chiến sĩ Biên phòng mà bà trân quý. 

Thiếu úy Vũ Đức Toàn, cán bộ ĐBP Mường Nhé cho biết, “Hũ gạo tình thương” là sáng kiến trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Chi đoàn Thanh niên, ĐBP Mường Nhé, được thực hiện từ cuối năm 2016. Theo đó, trước khi nấu ăn, các chiến sĩ bớt ra 1 bát gạo, mỗi tháng để dành được 30kg. Từ số gạo tiết kiệm này, định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, các chiến sĩ sẽ luân phiên chuyển đến cho 8 hộ dân đặc biệt khó khăn (ĐBKK) ở xã Mường Nhé. Sau gần 3 năm thực hiện, đơn vị đã góp được khoảng 1 tấn gạo để chuyển đến các gia đình có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn.

Có thể thấy, giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh với nhiều lo toan, vẫn sáng ngời những điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trường hợp ông Hứa Tỷ, ở phường 5, TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) là một ví dụ. Từ 20 năm qua, người đàn ông 73 tuổi này vẫn cần mẫn với việc vá các “ổ gà”, “ổ trâu” trên các tuyến đường trong thành phố. Nhiều lần chứng kiến các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ “ổ gà”, “ổ trâu”, ông cứ trăn trở, xót thương người bị nạn, từ đó ông nảy ra ý định đi dặm vá đường thiện nguyện. 

“Xe cộ ngày một đông mà đường sá thì ngày càng xuống cấp, Nhà nước lo sao cho hết được. Mình thấy hư ở đâu thì mình sửa ngay chỗ đó cho nó nhanh và đảm bảo an toàn cho mọi người. Nghĩ vậy nên tôi làm vậy thôi”, ông Tỷ chia sẻ. 

 Để có nguyên vật liệu dặm, vá đường, ông Hứa Tỷ thường đi xin ở các công trình xây dựng, hoặc tự bỏ tiền ra để mua mỗi khi không tìm được vật liệu. Đến nay, ông Tỷ cũng không nhớ được mình đã dặm vá bao nhiêu “ổ trâu”, “ổ gà” vì trong đầu ông chỉ có một ý nghĩ là làm sao để người tham gia giao thông được an toàn.

Lan tỏa phong trào

Việc làm của ông Hứa Tỷ hay mô hình “Hũ gạo tình thương” của ĐBP Mường Nhé là một trong rất nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ việc thực hiện Chỉ thị 05, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng văn minh đô thị, xóa đói, giảm nghèo... được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất xây trường học, làm đường giao thông và các công trình dân sinh... 

Như ở tỉnh Quảng Trị, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp công để xây dựng NTM. Điển hình là ông Nguyễn Thế Hiển, thị trấn Khe Sanh đã tự nguyện hiến 300m2 đất vườn cho thị trấn để làm đường bê tông; ông Hồ Ngỡ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa tự nguyện hiến 720m2 đất vườn để xây dựng điểm trường mầm non. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đông Hà xây dựng mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” và “Hũ gạo tình thương”, thu được 2,1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 894 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa phối hợp với Chi hội Phụ nữ khóm Ka Tăng vận động mua 18 con dê giống cấp quay vòng cho 8 hộ nghèo trong khóm. Sau 3 năm, số dê tăng từ 18 lên 145 con, giúp cho 7/8 hộ thoát nghèo. 

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, phẩm chất, tình thân ái của người Việt Nam lại được khẳng định, thể hiện rõ nét với sức lan tỏa rộng khắp. Đó là cây ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo được các cá nhân, tổ chức mở ở nhiều địa phương; là việc bé Phạm Tô Ngọc Minh Tâm, học sinh lớp 4 Trường Việt Úc, quận 7, TP. Hồ Chí Minh đóng góp 10 triệu đồng tiền mừng tuổi để ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch; là cụ bà Hồ Thanh Thúy, 75 tuổi, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh góp 6 triệu đồng tiền tiết kiệm phòng khi ốm đau… để gửi tới những đơn vị tuyến đầu chống dịch…

Theo thống kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, đã có gần 900 tỷ đồng được các cơ quan, đơn vị và cá nhân ủng hộ để phòng, chống dịch Covid-19. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực của các nhà hảo tâm, Nhân dân cả nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chung tay phòng, chống dịch Covid-19, là minh chứng sống động cho việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày một lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân. 

Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành việc làm thường xuyên, trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 thời gian qua là cơ sở vững chắc góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. 

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành việc làm thường xuyên, trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.