Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chương trình MTQG 1719: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ (Bài 3)

Thúy Hồng - Thanh Hải - 11:59, 30/05/2023

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung, tiến độ thực hiện các dự án thuộc chương trình còn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân được chỉ ra là do đây là chương trình mới, phạm vi thực hiện rộng, liên quan đến nhiều Bộ ngành, địa phương; việc xây dựng, ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn chưa thực sự đồng bộ, kịp thời...

Đập thủy lợi ở xã Phà Đánh huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719
Đập thủy lợi ở xã Phà Đánh huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Nhận diện những bất cập

Qua thực tế triển khai thực hiện tại các địa phương đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Đáng chú ý là tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, kịp thời.

Để xử lý vấn đề vướng mắc về văn bản, trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc chỉ đạo các bộ ngành rà soát, tổng hợp, tiếp thu phản ánh của địa phương và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; một số nội dung không thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ đã được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo khẩn trương trình, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn như Quyết định số 04 ngày 23/2/2023; sửa đổi, bổ sung phụ lục Quyết định số 39 của TTCP, Nghị định số 27 của Chính phủ, Thông tư số 15 của Bộ Tài chính, Thông tư số 02 của Ủy ban Dân tộc...

Bên cạnh những vướng mắc về văn bản hướng dẫn, còn có nguyên nhân do một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện, dẫn đến có sự chậm trễ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tiến độ giải ngân các dự án.

Bà Giàng Thị Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, kiến nghị về những bất cập, vướng mắc khi thực hiện chương trình
Bà Giàng Thị Phương - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, kiến nghị về những bất cập, vướng mắc khi thực hiện chương trình

Đơn cử như tại Trà Vinh, triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 về “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”, UBND tỉnh Trà Vinh giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì. Theo kế hoạch, để thực hiện Tiểu dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến được phân bổ nguồn vốn 101.888.000.000 đồng. Trong 2 năm, 2022 và 2023, ngành Giáo dục Trà Vinh được giao vốn triển khai thực hiện 8 dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường PTDT nội trú với tổng mức đầu tư là trên 65 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay các công trình chưa thể giải ngân triển khai thực hiện, do chưa được tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Lý giải về những bất cập tại địa phương trong buổi đánh giá, khảo sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT cuối tháng 5, ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc cho biết: Mặc dù năm 2023 là năm thứ hai giải ngân vốn thực hiện Chương trình. Tuy nhiên Sở GD&ĐT Trà Vinh vẫn còn thiếu nhiều kế hoạch, văn bản để triển khai thực hiện. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Từ những kiến nghị của các địa phương Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành liên quan đã nhìn nhận rõ những bất cập, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ và Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Chương trình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, sửa đổi bổ sung, nhưng tiến độ triển khai trong thực tế vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Ngày 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đã ký Quyết định số 29/QĐ-BCĐCTMTQG ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ban Chỉ đạo chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG tại các bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.

Với vai trò là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra tại các địa phương. Ngày 4/4/2023, Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành Quyết định 255/QĐ-UBDT về Kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2023.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, việc kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG 1719 nhằm đôn đốc, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn thực hiện Chương trình. Từ đó báo cáo, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm tiến độ thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tại địa phương, các tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại cơ sở để kịp thời xử lý vướng mắc. Như tại Tuyên Quang, từ quý I/2023, số lượng công trình, dự án của năm 2022, năm 2023 bắt đầu khởi động Tuyên Quang đã tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo ông Ma Quang Hiếu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thực hiện thì công tác kiểm tra, giám sát của cơ sở thông qua Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cấp xã do Ủy ban MTTQ xã chủ trì là rất quan trọng.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình
Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Chương trình MTQG 1719 sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi

Cũng theo ông Ma Quang Hiếu qua công tác kiểm tra, giám sát nhận thấy công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn và hàng năm của một số xã chưa đầy đủ theo quy định. Một số xã chưa thực hiện nhập dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mặc dù UBND huyện đã phân bổ cho các xã. Công tác rà soát đối tượng nhận hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng còn lúng túng… từ đó Ban Dân tộc Tuyên Quang đã kịp thời nắm bắt để đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ.

Công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở là hoạt động rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.