Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Thực trạng đội ngũ y tế thôn, bản: Thừa trách nhiệm - Thiếu chính sách ( Bài 2 )

Sỹ Hào - 10:05, 07/08/2020

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 về “Phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản (YTTB) nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới”, Bộ Y tế đã triển khai nhiều dự án liên quan đến phát triển đội ngũ nhân viên YTTB. Tuy nhiên, hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ này vẫn chưa thống nhất.

Đội ngũ Y tế thôn bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đội ngũ Y tế thôn bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

 Cần chính sách phù hợp để giữ chân nhân viên YTTB

Phụ cấp ít ỏi

Trong số báo 1645, ra ngày 5/8, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh, đội ngũ nhân viên YTTB ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới đảm đương rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân trong điều kiện làm việc khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, phụ cấp của họ chỉ 400.000 - 700.000 đồng/người/tháng.

Đã hơn 22 năm làm nhân viên y tế thôn Bãi Thao 3, xã Bắc An, TP. Chí Linh (Hải Dương), chị Trịnh Thị Miên đã “thấm” sự vất vả của một nhân viên YTTB khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa phải lo toan cuộc sống gia đình. Thôn Bãi Thao có 103 hộ/372 nhân khẩu (1/3 là đồng bào DTTS), chị đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để làm tròn trách nhiệm “cô đỡ”. Đều đặn hằng tháng, chị ra xã để giao ban với Trạm Y tế báo cáo, nắm thông tin; những trường hợp đột xuất thì phải gọi điện thoại để xin chỉ đạo kịp thời.

Nhưng mỗi tháng, chị Miên được nhận hơn 400.000 đồng; không đủ chi phí xăng xe, điện thoại. Để có thêm nguồn thu nhập, chị Miên phải cày cấy, chăn nuôi thêm con vịt, con gà.

Số tiền chị Miên cũng như hàng chục nghìn nhân viên YTTB nhận hằng tháng được chi trả theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 75) quy định về mức phụ cấp đối với nhân viên YTTB. Theo quyết định này, do thôn Bãi Thao 3 không phải là thôn thuộc xã khó khăn nên chị Miên chỉ được nhận mức phụ cấp 0,3 so với mức lương tối thiểu chung (ngân sách địa phương chi trả). Còn những nhân viên YTTB ở những địa bàn khó khăn, thì sẽ được nhận mức phụ cấp là 0,5 (tương đương khoảng hơn 700.000 đồng/người/tháng, do ngân sách Trung ương bảo đảm).

Nhân viên YTTB bỏ việc

Một bất cập khác trong QĐ 75 là, việc chi trả chế độ phụ cấp cho nhân viên YTTB chỉ đề cập đến cấp xã, không đề cập đến cấp phường, thị trấn. Khoản 2, Điều 1 của Quyết định này nêu rõ: “Quyết định này không áp dụng đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn”. Ngân sách Nhà nước không bố trí cho phường, thị trấn kinh phí để chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế nên nhiều phường, thị trấn không tự cân đối được ngân sách thì không có nhân viên YTTB.

Từ tháng 6/2019, việc chi trả chế độ cho nhân viên YTTB được áp dụng theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (NĐ 34). Đáng nói là, NĐ 34 đã “loại” nhân viên YTTB ra khỏi danh sách những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 14a của NĐ 34, ngân sách Nhà nước chỉ chi trả chế độ cho 3 chức danh, gồm: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận. Còn nhân viên YTTB được hưởng theo chế độ bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

Điều này có nghĩa là, với nhân viên YTTB “có làm thì mới có bồi dưỡng, không làm thì thôi”. Như vậy, NĐ 34 đã “phủ định” QĐ 75, bởi trong QĐ 75, đội ngũ nhân viên YTTB là những người hoạt động không chuyên trách được chi trả phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Sự bất hợp lý này nhất thiết phải được sửa đổi, bởi hiện có không ít nhân viên YTTB đã bỏ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới có đông đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục