Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thường Xuân (Thanh Hóa): Hàng loạt giáo viên lao đao vì bị truy thu tiền hỗ trợ

Thu Thảo - 23:31, 20/12/2020

Nhiều giáo viên đang công tác tại huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bất ngờ bị truy thu số tiền hỗ trợ mà họ đã nhận từ 9 tháng trước. Điều này khiến không ít người hoang mang khi phải tìm cách trả lại tiền.

Trường Tiểu học Thọ Thanh là 1 trong số trường có giáo viên bị thu hồi tiền hỗ trợ
Trường Tiểu học Thọ Thanh là 1 trong số trường có giáo viên bị thu hồi tiền hỗ trợ

Ngày 5/11/2020, UBND huyện Thường Xuân ban hành Quyết định số 2245/QĐ-UBND về việc thu hồi kinh phí của các đơn vị năm 2020 theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo. Tổng kinh phí tạm thu hồi 6 tháng tại các đơn vị trên địa bàn huyện là hơn 7,6 tỷ đồng.

Theo đó, đối với giáo viên đang công tác tại 8 xã đã ra khỏi diện vùng đặc biệt khó khăn của huyện gồm: xã Lương Sơn, Ngọc Phụng, Xuân Cẩm (cũ), Luận Thành, Xuân Cao, Thọ Thanh, Xuân Dương và thị trấn Thường Xuân đều bị truy thu tiền hỗ trợ. Trung bình mỗi cán bộ, giáo viên sẽ phải nộp lại số tiền từ gần 2 triệu đồng đến hơn 15 triệu đồng/tháng. Điều này gây xáo trộn không nhỏ đến đời sống của cán bộ, giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Dương (huyện Thường Xuân) cho biết: Nhà trường có 44 giáo viên, nhân viên, hầu hết đều nhất trí với việc thu hồi kinh phí theo quy định. Tuy nhiên, các giáo viên đề nghị UBND huyện Thường Xuân giãn cách thời gian thu hồi hoặc thu hồi theo lộ trình cụ thể để giáo viên có thể xoay sở, hoạch định lại kế hoạch chi tiêu, trả nợ.

“Nếu trừ tiền bị thu hồi, mỗi tháng các giáo viên mầm non còn được hưởng lương thực tế trên dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, phần đa số đều có kinh tế khó khăn, bán nông nghiệp..., được hưởng chế độ rồi lại bị thu hồi không chỉ làm cho giáo viên cảm thấy rất hụt hẫng, mà còn bị ảnh hưởng đời sống giáo viên”, bà Hiền chia sẻ.

Tại Trường THCS Xuân Dương hiện có 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì cả 30 người đều thuộc diện bị thu hồi tiền hỗ trợ theo quy định. Số tiền bị truy thu từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020.

Ông Lê Đình Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tổng số tiền bị truy thu của toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường là 99 triệu đồng/tháng. Như vậy 9 tháng tương đương 891 triệu đồng. Người bị truy thu nhiều nhất trong trường là 8,6 triệu đồng/tháng. 

Đặc biệt, nhà trường có những nhân viên hiện có mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nếu bị cắt tiền hỗ trợ thu hút và truy thu, mức lương của những nhân viên này chỉ còn 800.000 đồng/tháng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.

“Sau khi nhận tiền lương và tiền hỗ trợ hàng tháng, phần lớn mọi người đều đã chi tiêu hết trong sinh hoạt gia đình, thậm chí nhiều người hiện đang còn khoản vay ngân hàng. Nếu thu hồi trong thời gian ngắn, thì phần đa không có khả năng trả ngay, gây khó cho các giáo viên”, ông Hòa nói.

Theo ông Ngô Văn Tường, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thường Xuân, việc thu hồi kinh phí theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã không thuộc diện ĐBKK thuộc các huyện nghèo là đúng với văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ Thanh Hóa. Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ vào ngày 3/9/2020, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cũng đã ra văn bản về việc tạm dừng thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại 8 xã không thuộc diện ĐBKK  theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Chính phủ kể từ ngày 1/9/2020.

“Tính từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020, số tiền huyện đã chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ công chức, viên chức khá lớn nên việc thu hồi rất khó khăn”, ông Tường cho hay.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân lý giải thêm, Nghị định 76 của Chính phủ ra từ tháng 10/2019. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có hướng dẫn cụ thể nên huyện vẫn chi trả tiền hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên theo chính sách cũ. Cho đến tháng 9/2020, Sở Nội vụ Thanh Hóa mới có hướng dẫn cụ thể nên huyện phải thu hồi lại số tiền đã chi trả không đúng quy định.

“Chúng tôi đã mời các hiệu trưởng đến họp và tuyên truyền về vấn đề này, các giáo viên cũng hết sức đồng thuận và thông cảm. Để không ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên, huyện đã ra phương án thu hồi bằng cách giãn thời gian truy thu ra, kéo dài đến năm 2022. Trung bình mỗi tháng, mỗi người chỉ phải nộp lại từ 1-2 triệu đồng”, ông Đứng cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.